Hiện tượng "mồ hôi máu" lần đầu phát hiện tại Việt Nam

  •  
  • 1.882

Thanh niên 24 tuổi, đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám bởi chiếc áo trắng đang mặc, đôi dép đang mang bỗng dưng nhuốm màu đỏ.

Anh không cảm thấy đau đớn hay có bất kỳ cảm giác nào khác.

Trường hợp hiếm gặp này được giáo sư, tiến sĩ Trần Hậu Khang, Chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, phát hiện năm 2017, chia sẻ ngày 1/12. Bệnh nhân sau đó đã được điều trị khỏi, trở thành ca điển hình được ghi vào y văn thế giới.


Áo bệnh nhân mặc nhuốm màu đỏ. (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).

Khi tiếp nhận bệnh nhân, cùng với việc khai thác tiền sử và khám lâm sàng, giáo sư Khang nghĩ đến anh mắc hiện tượng "mồ hôi máu". Đây là hiện tượng vô cùng hiếm gặp, thế giới đến nay chỉ ghi nhận khoảng gần 200 ca báo cáo trên y văn. Việt Nam trước bệnh nhân này chưa ghi nhận ca "mồ hôi máu" nào.

Bệnh nhân cho biết không mắc bệnh mx=ãn tính nào, chỉ khi lao động nặng, đi bộ nhiều, mồ hôi tiết ra có màu đỏ nhạt. Quần áo trắng hoặc tất, dép trắng cũng nhuộm màu hồng nhạt. Trước đó anh hay bị mất ngủ, lo âu và căng thẳng, stress...

Giáo sư tiến hành hai xét nghiệm, đầu tiên là xét nghiệm xác định máu trong mồ hôi. Giáo sư nhận thấy trong mồ hôi bệnh nhân có hồng cầu. Xét nghiệm thứ hai là sinh thiết vùng da có tuyến mồ hôi. Kết quả, phát hiệu mao mạch giãn ra, các hồng cầu đi vào ống tuyến mồ hôi. Giáo sư Khang khẳng định bệnh nhân mắc hiện tượng "mồ hôi máu".


Đôi dép bệnh nhân đi. (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).

Mồ hôi máu (Hematohidrosis hay Hemidrosis) rất hiếm gặp. Biểu hiện lâm sàng của hiện tượng này là mô hôi tiết ra có lẫn máu. Tùy lượng máu nhiều hay ít mà màu sắc mồ hôi có thể thay đổi: đỏ tươi, hồng hoặc hồng nhạt.

Thể nhẹ, mồ hôi có màu hồng nhạt, đặc biệt là vùng trán, lưng, bụng... Lau mặt, khăn có màu đỏ. Cổ áo, quần đùi trắng thỉnh thoảng có màu hồng, đỏ, đặc biệt là sau hoạt động nặng. Ở thể nặng, máu pha trộn mồ hôi chảy trên một số vùng da của cơ thể, có thể chảy ra từ mặt, lỗ mũi, miệng... thậm chí nước mắt cũng có máu.

Đây là một hiện tượng chưa rõ căn nguyên. Theo các bác sĩ, hiện tượng này liên quan đến yếu tố căng thẳng thần kinh, lo âu, sợ hãi, bị stress nặng, kéo dài. Khi bị căng thẳng quá mức, các mao mạch ở da, xung quanh tuyến mồ hôi bị co thắt. Tình trạng này quá nặng hoặc kéo dài, các mao mạch sẽ bị vỡ, đứt, máu tiết vào hoặc thẩm thấu qua ống tuyến mồ hôi, làm cho mồ hôi có màu đỏ.

Một vài nghiên cứu khác cho rằng có thể có một vài khiếm khuyết trong chất đệm ở trung bì hoặc một số chất đặc biệt làm hư tổn hệ thống mao mạch nuôi dưỡng tuyến mồ hôi. Một số nghiên cứu nhận định hiện tượng này liên quan đến bệnh hệ thống, mạn tính như Hemochromatosis...

Y văn thế giới mô tả một số trường hợp "mồ hôi máu" rất đặc biệt, như một số tử tù, thủy thủ gặp bão tố trên biển, người sợ chết do mắc trọng bệnh, căng thẳng trong gia đình... Đa số trường hợp này liên quan đến rối loạn tinh thần tột độ như lo âu, sợ hãi, quá căng thẳng, sợ chết, stress triền miên...


Mồ hôi bệnh nhân có màu đỏ. (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).

Nam thanh niên trên được điều trị bằng thuốc an thần, bác sĩ tư vấn về sức khỏe tinh thần. Một tháng sau, xét nghiệm lượng hồng cầu trong mồ hôi bắt đầu giảm. Tháng thứ ba hết hẳn, tuy nhiên năm đầu tiên hiện tượng này tái lại ba lần. Đến năm thứ hai, tái khám ba tháng một lần, giáo sư Khang nhận thấy bệnh nhân mất hoàn toàn hiện tượng này. Năm 2020, kiểm tra lại, anh không còn dấu hiệu bệnh. Giáo sư khẳng định bệnh nhân đã khỏi hoàn toàn.

Theo giáo sư Khang, tới nay không có một phương pháp đặc hiệu nào để điều trị khỏi hiện tượng này. Điều quan trọng nhất là phát hiện và xử lý các bệnh kèm theo, đồng thời giảm stress, lo âu, căng thẳng bằng thuốc hoặc liệu pháp tâm lý.

Giáo sư khuyến cáo bệnh nhân cần có lối sống lành mạnh, không sử dụng các chất kích thích như rượu chè thuốc lá, nên tránh những xích mích hoặc bất hòa ở trong gia đình và xã hội.

Cập nhật: 01/12/2020 Theo VnExpress
  • 1.882