Trong vòng mười năm trở lại đây, đã có hơn 20 hồ bị "mất tích" trên bản đồ, tương đương với gần 200 héc-ta diện tích mặt nước bị bốc hơi.
Phải mất khá nhiều lần hỏi thăm, sau cùng phải nhờ một người dẫn đường, hết quẹo trái, quẹo phải theo những con ngách chật hẹp đầy ổ gà, chúng tôi mới tìm được đường vào hồ Văn Chương (thuộc phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội).
Thú thực, nếu không được sự dẫn đường của người trong ngõ thì tôi chắc chắn là mình đã đi nhầm đường bởi cái hiện lên trước mắt tôi không thể gọi là hồ được. Đó gần như là một khu đất đọng nước thải um tùm cỏ dại. Xung quanh bãi hoang đó, nhà cao tầng có, thấp tầng có, hiện đại có, tạm bợ có đua nhau mọc lên trong tư thế lúc nào cũng sẵn sàng tiến mãi ra chính giữa hồ. Và từ những ngôi nhà, rác rưởi, nước thải tuồn xuống tạo nên một mùi hôi thối rất đặc trưng của những khu bãi rác.
Chị Hà, một người dân ở đây bức xúc: "Ngày xưa, hàng nghìn thanh niên xung phong của Hà Nội bỏ hàng trăm ngày công mới đào được hồ Văn Chương. Nhớ ngày ấy nước cứ trong văn vắt, trẻ con muốn nhìn từ bên này hồ sang bên kia hồ phải dùng ống nhòm. Vậy mà bây giờ thì nhà bên kia hồ gần như trở thành hàng xóm chung giậu với nhà bên này. Nghĩ mà xót, bao nhiêu công sức đổ xuống nay trở thành công cốc".
Cùng chịu chung số phận nhưng hồ Huy Văn có vẻ may mắn hơn vì vẫn còn một khoảng mặt nước, mặc dù cái khoảng toen hoẻn chứa thứ nước đặc quánh đấy khiến cho người ta sợ hãi hơn là thích thú. Cũng có thể do hồ Huy Văn nằm cạnh UBND phường Văn Chương nên mới giữ được như thế chăng?
Bà cụ Nhung năm nay đã gần 80 tuổi, bán quán nước bên hồ kể, ban đầu những nhà ở bên hồ đổ đất xuống với hy vọng có thêm một khoảng đất để nuôi lợn. Sau dần, khoảng đất đó phình to quá, "ông" phường "giật mình" bèn biến nó thành một cái chợ dân sinh cho cả làng. Thế là không chỉ rác sinh hoạt mà tất cả rác rưởi của chợ cũng được tuồn xuống hồ. Chuyện đấy xảy ra từ 10 năm nay.
Đến giờ, diện tích khoảng chợ ở đây đã lên đến 300 mét vuông. Đấy là chưa kể xung quanh hồ có hơn 100 hộ gia đình sinh sống. 100% những hộ này đã và đang tiếp tục công cuộc "đẻ đất" cho cá nhân mình. Có hộ diện tích lấn chiếm đã lên đến hàng trăm mét vuông. "Rác của cư dân khu này một ngày cần hơn một xe chuyên dụng để chở đến nơi tập kết, nhưng rác trong hồ thì cả chục xe chở chẳng hết". Đây là lời tâm sự của một công nhân Công ty Môi trường đô thị chuyên thu gom rác khu vực ven hồ Huy Văn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Tiến Ngọc, Phó Chủ tịch UBND phường Văn Chương cho biết: Từ năm 2004, sau khi báo chí "kêu" nhiều quá, thành phố có quyết định kè lại hồ Huy Văn. Nhưng quyết định đã có từ lâu mà không ai triển khai cả. Bây giờ, ngay việc giữ nguyên trạng hồ cũng khó chứ chưa nói đến chuyện sẽ "đòi" lại phần đất bị lấn chiếm.
Hồ Hào Nam đã được "kè" bằng những móng nhà cao tầng vững chãi, phần còn lại được chia thành những ruộng rau muống. Nhưng như thế vẫn may mắn vì còn được gọi là "hồ" vì hiện tại, nhiều hồ có đến mà hỏi người dân thì chỉ những người đã từng ở ít nhất là 20 năm tại Hà Nội mới có thể nhớ ra. Hồ Đấu nằm gần Khách sạn Kim Liên (Đống Đa) là ví dụ. Đến bây giờ hỏi lại chẳng có mấy ai biết rằng nơi toà cao ốc tọa lạc đoạn đầu phố Phạm Ngọc Thạch trước đây đã từng có một cái hồ.
Theo thống kê từ cơ quan chức năng, vào năm 1994, nội thành Hà Nội còn có trên 40 hồ với tổng diện tích hơn 850 héc-ta. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, nội thành chỉ còn 19 hồ, chiếm tổng diện tích khoảng 547 héc-ta. Như vậy trong vòng chục năm đã có trên 20 hồ bị "mất tích" trên bản đồ, tương đương với gần 200 héc-ta diện tích mặt nước bị bốc hơi. Trong khi hồ thì ngày càng giảm mà mật độ dân số ngày càng tăng, nhiều nơi ở Hà Nội đang nghẹt thở vì bụi bặm và ô nhiễm. Xin hãy cứu lấy hồ khi còn chưa muộn!
Nhóm PV KTXH - Báo Công an nhân dân