Hoa hành tinh

  •  
  • 1.198

Bất chợt lúc nào đó khi đang bơi lặn dưới biển, bạn đối mặt với một đóa hoa to lớn có những "cánh tay" mềm mại biết bắt mồi và nuốt gọn những con mồi. Khi quan sát kỹ bạn lại thấy đóa hoa này hiếm khi di chuyển vì nó di chuyển rất chậm. Đó chính là một loài động vật có tên là "Hải quỳ" thuộc bộ Actiniaria. Chúng có các xúc tu nhiều màu sắc, nên nhìn bề ngoài trông giống như hoa. Hải quỳ có đến hơn 1.000 anh em họ hàng gần giống nhau, với đường kính thân mình có kích thước từ vài mm đến 1,5m.

Trên đầu các xúc tu có các tế bào châm, có thể bám dính. Khả năng bám dính này có được là nhờ nhiều tế bào châm có ngòi rất nhỏ. Các xúc tu phóng những mũi nhọn rất nhỏ vào thứ cần bám dính. Ngoài chức năng bám dinh, xúc tu còn được hải quỳ sử dụng hiệu quả để châm làm tê liệt hay giết chết con mồi. Các cơ giúp cho hải quỳ từ từ kéo con mồi về phía miệng mình. Sau đó, các cơ từ từ đưa con mồi vào trong bao tử.

Cấu tạo cơ thể của hải quỳ hết sức khác thường: gần như toàn bộ thân thể bị choán hết bởi một cái bao tử lớn. Cổ họng ngắn nằm ngay bên trên bao tử và nằm ngay bên dưới một cái miệng. Miệng nằm ở trung tâm của một bộ phận hình đĩa bao quanh bởi những hàng xúc tu. Hải quỳ không có (và cũng không cần đến) não, tim, thận, phổi hay một xương cứng cáp. Chúng co cơ để co các cơ bắp quanh cái bao tử đầy nước, làm cho bao tử trông như là những trái bóng nước.

Khi thủy triều rút xuống và để lộ hải qùy ra khỏi nước, chúng sẽ co mạnh các cơ và giấu các xúc tu vào bên trong cơ thể. Chúng còn biết ngụy trang bằng cách dùng các mấu dính trên phần bên trên của thân để kéo dính đá và vỏ óc bao quanh mình, đồng thời chúng co cuộn thân mình lại.

Hải quỳ sống được cả trong và ngoài môi trường nước. Sinh vật này có khả năng thích nghi tuyệt vời. Chúng được tìm thấy ở những độ sâu đến hơn 10.000m; một số còn sống cả ở vùng nước lợ

Dù thỉnh thoảng giết và ăn giáp xác, hải quỳ cũng cho những con cua "bạn bè" làm "nhà" để ở giữa đám xúc tu nguy hiểm của mình.

H.T sưu tầm
  • 1.198