Kỳ lạ loài sinh vật nhỏ bé, nhưng dài hơn cả cá voi xanh

  •  
  • 1.746

Giun bootlace là một trong những loài động vật dài nhất trên Trái đất. Có lần, chúng được tìm thấy trên bãi biển với chiều dài lên tới 55 mét.

Là một sinh vật nhỏ bé, khẳng khiu, và không rộng hơn cây bút chì là mấy, song giun bootlace (Lineus longissimus) lại có chiều dài đáng nể. Chúng được xem là sinh vật sống dài nhất hiện nay, đôi khi sánh ngang (hoặc có thể vượt qua) cả cá voi xanh.

Giun bootlace là một trong những loài động vật dài nhất trên Trái Đất.
Giun bootlace là một trong những loài động vật dài nhất trên Trái đất.

Trong một bài báo năm 2008 cho tạp chí Zoologische Mededelingen, các nhà sinh vật học Adriaan Gittenberger và Cor Schipper giải thích rằng những con giun bootlace dài tới 98,4 feet (30 mét) và "đã được bắt gặp nhiều lần".

Tuy nhiên, xác của một con giun bootlace khổng lồ được cho là đã dạt vào bờ biển Scotland vào năm 1864. Lúc bấy giờ, người ta đo được chiều dài của nó lên tới 55 mét.

Dẫu vậy, một số nhà khoa học không xác nhận sự tồn tại của loài Lineus longissimus có thể lên tới mức độ này. Nguyên nhân là bởi loài động vật này có thể co giãn, đàn hồi với cơ thể bị biến dạng, nên việc đánh giá chiều dài của chúng trở nên khó khăn.

Cấu trúc "vòi" của giun bootlace được ép từ một túi bên trong cơ thể khi cần thiết.
Cấu trúc "vòi" của giun bootlace được ép từ một túi bên trong cơ thể khi cần thiết.

Lineus longissimus là thành viên lớn nhất của họ động vật Nemertea, còn được gọi là "giun ruy băng" hoặc "giun vòi". Nhóm này bao gồm khoảng 1.200 loài đã được ghi nhận. Không giống như những loài giun đất quen thuộc, chúng không có các phân đoạn cơ thể. Ngoài ra, chúng không có tim, không xương sống, thường ẩn mình trong bùn, cát và các khe đá quanh Bắc Đại Tây Dương.

Một đặc điểm nổi bật của loài Nemertea là cấu trúc với cái "miệng" hình ống được gọi là "vòi". Thông thường, nó được giấu trong một túi chuyên dụng. Tuy nhiên, khi có nhu cầu, con vật sẽ đẩy ống vòi ra bên ngoài cơ thể.

Ống vòi này có chức năng giúp chúng thao tác và bắt lấy thức ăn, có thể là cua, ốc, và xác động vật trôi nổi dưới đáy biển. Đôi khi, vòi cũng được sử dụng như một công cụ đào.

Giun bootlance có thể được tìm thấy dưới các tảng đá lớn bên bờ biển
Giun bootlance có thể được tìm thấy dưới các tảng đá lớn bên bờ biển hoặc các khe đá nứt, luống tảo bẹ và các hồ bơi tự nhiên bên bờ biển.

Để xua đuổi những kẻ săn mồi hoặc khi chúng cảm thấy bị đe dọa, loài động vật không xương sống này sẽ tiết ra một lượng lớn chất nhầy đặc, có mùi hôi.

Các nhà tự nhiên học cho rằng, chất nhầy phòng thủ của giun bootlace chứa nhiều độc tố peptide. Tuy nhiên, khi một nhóm nghiên cứu kiểm tra những thứ này vào năm 2018, họ đã phát hiện ra một nhóm chất độc hoàn toàn mới, và cho đến nay khoa học vẫn chưa biết đến.

Các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy việc tiếp xúc với nemertide α-1 can thiệp vào chức năng thần kinh và hệ cơ của cua xanh (Carcinus maenas) và gián Dubia (Blaptica dubia). Điều đó có thể khiến sinh vật này bị chết hoặc tê liệt vĩnh viễn. Do vậy, Nemertide α-1 có thể dùng như một loại thuốc trừ sâu rất hiệu quả.

Cập nhật: 12/02/2022 Theo Dân Trí
  • 1.746