Hỏa hoạn - Hạn hán - Lũ lụt: Trái đất năm 2022 bị "giày vò" thế nào khi nhìn từ vệ tinh?

  •  1 2 3 4 5
  • 815

Hình ảnh vệ tinh cho thấy một Trái đất nóng nực, khô cạn và mưa như trút nước khắp nơi!

Tháng 7/2022 vừa qua, thế giới chứng kiến rất nhiều trận hỏa hoạn, lũ lụt, hạn hán, các đợt nắng nóng và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác, được kích hoạt và gia tăng bởi biến đổi khí hậu nhân tạo, gây ra sự biến động lớn trên toàn cầu với hàng nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người khác phải di dời, Reuters thông tin.

Thông qua những hình ảnh vệ tinh - hiển thị những cảnh thời tiết khắc nghiệt từ không gian - đã cho chúng ta thấy một hành tinh Trái đất siêu nóng, khô cạn và ngập lụt đồng thời tại các khu vực khác nhau trên thế giới.

 Hình ảnh đám cháy khổng lồ tại bang California, Mỹ.
Hình ảnh đám cháy khổng lồ tại bang California, Mỹ. (Ảnh: Neal Waters / Anadolu Agency / Getty Images)


(Ảnh: Noah Berger / AP)

Các vệ tinh thời tiết liên tục nhìn xuống Trái đất, gửi lại những hình ảnh có độ phân giải cao để cung cấp cái nhìn thời gian thực về những gì đang diễn ra.

Một số vệ tinh là "quỹ đạo địa cực", quay quanh Trái đất theo những quỹ đạo đưa chúng qua cả hai cực Bắc và Nam; Những vệ tinh thời tiết khác quay quanh Trái đất đồng bộ với vòng quay của nó, ở độ cao 35.785 km so với Trái đất, được gọi là "quỹ đạo địa tĩnh".

Các nhà khoa học khí quyển đã dựa vào dữ liệu từ vệ tinh nhân tạo để giúp họ đưa ra các dự báo và cảnh báo, đồng thời bám sát mức tăng/giảm của nhiệt độ toàn cầu.

Washington Post đã cung cấp một số hình ảnh nổi bật nhất được chia sẻ từ các vệ tinh thời tiết từ các cơ quan không gian của Mỹ và nước khác trong những tuần gần đây để chúng ta có cái nhìn toàn cảnh về thời tiết trên Trái đất vừa qua.

Siêu hạn hán tại hồ nước khổng lồ Mỹ

Hồ Meade, nằm ở nam Nevada và bắc Arizona, là hồ chứa lớn nhất ở Mỹ, hình thành sau khi xây dựng Đập Hoover vào cuối những năm 1920 - 1930. Khoảng 20 triệu người Mỹ sống phụ thuộc vào nguồn nước của nó - đáng chú ý nhất là ở khu vực đô thị Los Angeles.

Kể từ năm 1983, sự kết hợp của nhu cầu sử dụng nước tăng và hạn hán dai dẳng đã khiến hồ chứa dưới dung tích của nó. Kết quả, ngày nay, nó đang ở mức thấp kỷ lục.

So sánh mực nước trên Cánh tay Overton của Hồ Meade từ năm 2000 đến năm 2022
So sánh mực nước trên Cánh tay Overton của Hồ Meade từ năm 2000 đến năm 2022 sử dụng hình ảnh màu tự nhiên từ Landsat 7 và Landsat 8. (Nguồn: NASA)

NASA cho biết: "Khoảng 10 phần trăm lượng nước trong Hồ Mead đến từ lượng mưa cục bộ và nước ngầm mỗi năm, phần còn lại đến từ tuyết tan ở Dãy núi Rocky chảy xuống sông Colorado đầu nguồn qua Hồ Powell, Hẻm núi Glen, và Grand Canyon".

Điều đó có nghĩa là Hồ Meade không chỉ là một 'phong vũ biểu' (khí áp kế) cho biết lượng mưa đã rơi xuống, nó còn là một chỉ số cho thấy nguồn cung cấp nước lớn nói chung, phần lớn trong số đó được lưu trữ trong lớp băng tuyết vào mùa đông.

Hơn một phần ba miền Tây nước Mỹ đang trong tình trạng hạn hán "cực đoan" hoặc "đặc biệt" - hai cấp độ nghiêm trọng nhất trong thang đo của Bộ giám sát hạn hán Mỹ.

"Mức độ hồ chứa rất thấp", Bộ giám sát hạn hán Mỹ viết. "Sản lượng thủy điện còn hạn chế, nguồn điện thay thế đắt đỏ; nước ngầm giảm; việc phân bổ nước cho nông dân và chủ trang trại bị cắt giảm. Chưa hết, khả năng tồn tại của hệ sinh thái đang bị đe dọa".

Nhiều chuyên gia về biến đổi khí hậu cho rằng hạn hán ở miền Tây nước Mỹ sẽ chỉ tiếp tục tồi tệ hơn trong những năm tới mà không có xu hướng giảm.

Cháy rừng bùng nổ ở California, Mỹ

Hạn hán đã thúc đẩy các điều kiện chín muồi cho sự phát triển bùng nổ của cháy rừng và cháy rừng cực đoan, cả hai đều xảy ra trong những tuần gần đây trên khắp bang California.

Các đám cháy ở California đang diễn ra ở gần Công viên Quốc gia Yosemite, bao gồm cả Đám cháy Oak, bùng phát trước đó hôm 22/7/2022.

Dưới đây là hình ảnh từ vệ tinh Landsat của NASA và USGS (Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ) thực hiện cho thấy Đám cháy Oak khổng lồ như thế nào.

Đám cháy Oak được nhìn thấy qua vệ tinh của NASA.
Đám cháy Oak được nhìn thấy qua vệ tinh của NASA. (Ảnh: NASA)


Ảnh chụp từ Đài quan sát Trái đất của NASA cho thấy một khung cảnh khô cằn màu nâu, nóng rực của đám cháy tại bang California, Mỹ. (Nguồn: NASA)

Cho đến nay, Đám cháy Oak đã thiêu rụi 18.532 mẫu Anh ở Hạt Mariposa, gần Xa lộ 140 và Đường Carstens; đồng thời phá hủy hơn 40 công trình kiến trúc cùng 25 ngôi nhà và buộc hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa của họ, CNN đưa tin.

Cal Fire, cơ quan chịu trách nhiệm giám sát việc chữa cháy, cho biết: "Đội ngũ nhân viên chữa chay vẫn còn nhiều việc phải làm vì các đám cháy vẫn tiếp tục bùng phát. Khoảng 1.440 tòa nhà vẫn bị đe dọa khi ngọn lửa tiếp tục gia tăng".

18 trong số 20 vụ cháy rừng lớn nhất trong lịch sử bang California đã xảy ra kể từ năm 2003. Biến đổi khí hậu do con người gây ra đang làm gia tăng hạn hán và nhiệt độ quá cao làm tăng thêm nhiều vụ cháy rừng khác.

California là một trong số các bang miền Tây của Mỹ đã phải hứng chịu trận siêu hạn hán kéo dài , vốn đã bị trầm trọng thêm bởi cuộc khủng hoảng khí hậu.

"Hỏa ngục" hoành hành châu Âu

Hơn 1.000 người đã chết trong bối cảnh đợt nắng nóng kỷ lục cực đoan khiến nhiệt độ khắc nghiệt diễn ra liên miên ở Tây Âu cách đây một đến hai tuần và khiến "cảnh báo đỏ" đầu tiên của Vương quốc Anh về nắng nóng từng được ban hành.

Nhiệt độ đạt 40 độ C lần đầu tiên được ghi nhận ở Anh, với gần 30 trạm thời tiết phá vỡ kỷ lục trước đó của nhiều vùng ở Anh khi ghi nhận mức nhiệt 38,7 độ C.

 Nhiệt độ không khí ngày 13/7/2022.
Nhiệt độ không khí ngày 13/7/2022. (Nguồn: NASA)

Trong khi đó, 40.000 cư dân của Pháp đã phải sơ tán do cháy rừng, và một số vụ cháy khác đốt cháy cảnh quan ở Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Biến đổi khí hậu đã đẩy khối không khí vốn đã quá nóng vào vùng lãnh thổ của hai quốc gia này, khiến cho nhiệt độ tăng cao, cây cối khô héo, dễ dàng bốc cháy.

 Cháy rừng xuất hiện ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Cháy rừng xuất hiện ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Ảnh do Bộ đo bức xạ hình ảnh hồng ngoại có thể nhìn thấy (VIIRS) trên vệ tinh Suomi NPP - một vệ tinh thời tiết do Cục quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cung cấp. (Ảnh: NOAA)

Băng tần ngày/đêm của vệ tinh Suomi NPP/VIIRS đã ghi lại dấu hiệu của những đám cháy rừng bùng cháy vào đêm ngày 12/7/2022. Có thể nhìn thấy phía tây Madrid (Tây Ban Nha) là một đám cháy đã thiêu rụi 3.700 mẫu Anh.

NASA viết: "Ở Bồ Đào Nha, nhiệt độ lên tới 45 độ C vào ngày 13 tháng 7 tại thị trấn Leiria, nơi hơn 7.400 mẫu Anh ha đã bị thiêu rụi. Hơn một nửa đất nước Bồ Đào Nha đang trong tình trạng "báo động đỏ" khi các nhân viên cứu hỏa chiến đấu với 14 đám cháy đang lan rộng".

Ngập lụt nghiêm trọng ở ST.Louis, Mỹ

Những tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra có thể làm trầm trọng thêm cả lũ lụt và hạn hán khắc nghiệt. Lý do rất đơn giản: Bầu không khí ấm hơn làm tăng tốc độ bay hơi của nước.

Ở những nơi có bão, chẳng hạn như ở miền Trung Tây Mỹ vào thời điểm hiện tại, lượng hơi ẩm tăng thêm trong khí quyển đồng nghĩa với những trận mưa như trút nước xuống dưới. Nhưng ở phần lớn miền Tây Mỹ, bầu không khí ấm lên sẽ hút bớt hơi ẩm từ thảm thực vật và đất một cách hiệu quả hơn, làm tăng thêm hạn hán.

Vào hôm 25/7/2022, cư dân của St. Louis (thành phố lớn thứ hai của bang Missouri, Mỹ) đã thức dậy trong tình trạng khẩn cấp về lũ quét, với một số cuộc cứu hộ được tiến hành khẩn cấp khi những trận mưa như trút nước bao phủ thành phố hàng giờ liền.

Một trận mưa 198mm đáng kinh ngạc đã đổ xuống trong suốt sáu giờ đồng hồ, hầu hết đều rơi trước khi Mặt trời mọc xuống thành phố St. Louis.

Trận mưa lịch sử, chỉ có 0,1% khả năng xảy ra trong bất kỳ năm nào, là mức độ thời tiết cực đoan khắc nghiệt nhất được ghi nhận đối với thành phố. St. Peters của bang Missouri (gần thành phố St. Louis), đã đạt gần 330mm vào lúc 4 giờ chiều ngày 25/7.

Theo các chuyên gia khí tượng, những trận mưa như trút nước đang trở nên thường xuyên hơn ở thành phố St. Louis, Washingtonpost thông tin.

Bão nhiệt đới dữ dội hơn

Trên phạm vi toàn cầu, tần suất các cơn bão không tăng. Tuy nhiên, hiện nay lốc xoáy đang phổ biến hơn ở trung tâm Thái Bình Dương và Bắc Đại Tây Dương, và ít xảy ra hơn ở Vịnh Bengal, tây Bắc Thái Bình Dương và nam Ấn Độ Dương, theo nghiên cứu trên tạp chí Environmental Research: Climate.

 Ảnh vệ tinh chụp cơn bão Batsirai từ Đài quan sát Trái đất của NASA.
Ảnh vệ tinh chụp cơn bão Batsirai từ Đài quan sát Trái đất của NASA. (Nguồn: NASA)

Cũng có bằng chứng cho thấy các cơn bão nhiệt đới đang trở nên dữ dội hơn và thậm chí vẫn còn hoạt động khi đi sâu vào đất liền, nơi chúng có thể gây ra nhiều mưa hơn trên một khu vực, đơn cử như trận bão Batsirai hồi tháng 2/2022.

Cập nhật: 27/12/2024 Tổ Quốc
  • 1 2 3 4 5
  • 815