Hóa thạch chuồn chuồn 'mất đầu' 100 triệu năm

  •  
  • 2.690
Các nhà khoa học vừa phát hiện một hóa thạch chuồn chuồn “mất đầu” được bảo tồn gần như nguyên vẹn trong hổ phách tại Myanmar. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Tại sao con chuồn chuồn lại “mất đầu”?


Hóa thạch chuồn chuồn "mất đầu" trong hổ phách. (Ảnh: George Poinar/OSU)

Cách đây khoảng 97 - 110 triệu năm thuộc thời kỳ đầu kỷ Phấn trắng trong một khu rừng ở thung lũng Hukawng thuộc Myanmar - thời điểm mà khủng long lang thang thống trị trên trái đất, có một con thằn lằn đang đói, phục kích con chuồn chuồn phục vụ cho bữa ăn trưa của nó. Thằn lằn lao tới với tốc độ nhanh và cắn đứt đầu con chuồn chuồn xấu số.

Câu chuyện nếu đến đây kết thúc thì chẳng có gì đáng nói. Trong khoảnh khắc thằn lằn vụt chạy thưởng thức con mồi thì thật là không may, cả nó và phần còn lại của chuồn chuồn bị dính vào nhựa cây, phần thân mềm của chúng bị chôn vùi trong hổ phách màu vàng và được bảo quản cho tới ngày nay.


Hóa thạch phần chân và đuôi của con thằn lằn háu ăn. (Ảnh: George Poinar/OSU)

Nhà cổ sinh vật học George Poinar công tác tại ĐH Oregon State, Mỹ sẽ mô tả “bữa ăn trưa cuối cùng của thằn lằn” trong số ra tháng 12/2010 của Tạp chí Palaeodiversity. Ông Poinar cho biết con chuồn chuồn (ảnh trên) đại diện cho một chi mới gọi là Paleodisparoneurinae thuộc phân họ chuồn chuồn, được bảo quản gần như nguyên vẹn, ngoại trừ mất cái đầu. Nhưng con thằn lằn háu đói (ảnh dưới) - chỉ còn phần chân và đuôi là được bảo quản.

Theo tạp chí Science Daily, đây là hóa thạch chuồn chuồn cổ nhất được tìm thấy trong hổ phách, nhưng trước đây các mẫu vật chuồn chuồn hóa thạch từng được phát hiện trên đá có niên đại lên đến 300 triệu năm, với sải cánh chuồn chuồn khổng lồ, lên đến hơn 0,9 mét.

Chuyên gia Poinar nói, ngày nay, thằn lằn vẫn thường khoái "săn đầu” của chuồn chuồn. Và chính chuồn chuồn cũng là một động vật săn mồi tham lam, nó ăn ấu trùng sâu bọ và cả muỗi. Ngoài ra, một số loài chuồn chuồn rất đẹp, có nhiều màu sắc quyến rũ và là đối tượng ưa thích của những người sưu tập côn trùng.
Theo Vietnamnet, Sciencemag & Sciencedaily
  • 2.690