Hóa thạch hiếm của quái vật đầu thú tiền sử

  •  
  • 248

Các nhà khoa học tìm thấy hộp sọ 255 triệu năm của một loài săn mồi trông như con lai giữa bò sát và động vật có vú.

Hóa thạch khai quật tại hệ tầng Naobaogou ở khu tự trị Nội Mông, phía bắc Trung Quốc, được xác định thuộc về một loài mới trong chi Euchambersia. Nó được đặt tên là Euchambersia liuyudongi, theo tác giả chính của nghiên cứu Jun Liu, người đầu tiên phát hiện ra mẫu vật. Theo nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Biology Letters hôm 13/7.

ộp sọ Euchambersia liuyudongi trưng bày tại Viện Xương sống Cổ đại hôm 8/7.
Hộp sọ Euchambersia liuyudongi trưng bày tại Viện Xương sống Cổ đại hôm 8/7. (Ảnh: CNS)

Đây mới là hóa thạch Euchambersia thứ ba được phát hiện trên thế giới và là trường hợp đầu tiên tại Trung Quốc. Cả hai mẫu vật hộp sọ trước đó đều được tìm thấy ở Nam Phi, thuộc về một loài họ hàng có tên là Euchambersia mirabilis.

Hai loài Euchambersia đều sống vào cuối kỷ Permi cách đây khoảng 256 đến 252 triệu năm. Chúng được mệnh danh là "quái vật đầu thú" vì có khuôn mặt giống động vật có vú, nhưng cơ thể lại trông như một con thằn lằn khổng lồ.

Mô phỏng Euchambersia ăn thịt con mồi Dicynodont.
Mô phỏng Euchambersia ăn thịt con mồi Dicynodont. (Ảnh: Wikipedia)

Phân tích cho thấy hộp sọ của Euchambersia liuyudongi có niên đại cách đây khoảng 255 triệu năm. Nó dài 7 cm, nhỏ hơn so với hai mẫu vật ở Nam Phi (dài 8 cm và 11,6 cm). Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu không rõ cá thể này đã trưởng thành hay chưa.

Hóa thạch của Euchambersia liuyudongi hiện được bảo quản tại Viện Xương sống Cổ đại thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Nó có tình trạng rất tốt, bao gồm cả hàm trên và hàm dưới với những chiếc răng gần như nguyên vẹn.

Hàm răng mạnh mẽ tiết lộ Euchambersia là động vật ăn thịt. Một số nghiên cứu còn cho rằng răng nanh của chúng còn có thể phun nọc độc nhưng giả thuyết này vẫn còn gây tranh cãi.

Cập nhật: 18/07/2022 VnExpress
  • 248