Hội nghị quốc tế lần thứ năm RIVF’07 về Công nghệ Thông tin và Truyền thông (CNTT&TT) được tổ chức tại Hà Nội vào các ngày từ 5 đến 9 tháng 3 năm 2007, tại thư viện Tạ Quang Bửu, Đại học Bách khoa Hà Nội (http://www.rivf.org).
Các hội nghị RIVF được khởi đầu năm 2003 từ nỗ lực của các giáo sư Patrick Berllot, Marc Bùi, Nguyễn Dương Vũ ... tại Pháp và đồng nghiệp ở nhiều nước, giáo sư Nguyễn Đình Trí và các giáo sư của Học viện Tin học Pháp ngữ IFI (Institut de la Francophne pour l’Informatique) ở Hà Nội.
Sau RIVF’05 và RIVF’06 tổ chức tại Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh, RIVF’07 quay về Hà Nội với những thay đổi. Điều thay đổi lớn nhất là RIVF, từ một hội nghị về tin học của cộng đồng Pháp ngữ tổ chức tại Việt Nam, đã chuyển thành một hội nghị quốc tế của IEEE (tổ chức kỹ sư điện và điện tử quốc tế) với nội dung về cả công nghệ thông tin và truyền thông, và chất lượng được nâng cao.
Do mỗi chuyên ngành CNTT&TT của ta có lực lượng nghiên cứu còn mỏng và đa số ở giai đoạn đầu, việc tổ chức một hội nghị quốc tế gồm nhiều chuyên ngành thay vì một chuyên ngành hẹp cho phép chúng ta mời được nhiều nhà khoa học quốc tế đến Việt Nam, và nhiều nhà khoa học, thầy cô giáo, sinh viên Việt Nam về CNTT&TT có thể tham gia.
RIVF’07 bao gồm tám chuyên ngành về các hệ thống thông tin tích hợp, các hệ thống thông tin tiên tiến và tương tác, quản lý dữ liệu và tri thức, công nghệ truyền thông mới, tối ưu và vận trù, tương tác và hiển thị thông tin, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, tin sinh học và tin y học.
Ngoài ra RIVF’07 còn tổ chức 4 bài giảng chuyên đề của các giáo sư đến từ Pháp, Thụy Điển, Đức vào ngày 5/3, và một hội nghị chuyên đề dành cho nghiên cứu sinh ngày 9/3.
RIVF’07 được tổ chức theo các thông lệ của các hội nghị quốc tế chất lượng. Ban chương trình gồm 77 nhà khoa học quốc tế (trong đó có 6 người từ Việt Nam) đã thẩm định kỹ lưỡng 151 bài gửi tham dự và chọn ra 44 bài dạng dài và 22 bài dạng ngắn được trình bày tại RIVF’07 (trong số này có 10 bài dài và 6 bài ngắn từ 46 bài gửi từ Việt Nam). Chất lượng các bài được chọn năm nay đã được nâng cao hơn nhiều so với các năm trước.
Ba sự kiện đáng chú ý tại RIVF’07 là:
1. Sáu nhà khoa học uy tín trên thế giới đã nhận lời mời đến trình bày các báo mời tại RIVF’07. Trong số này có giáo sư Jung Uck Seo, nguyên bộ trưởng Bộ khoa học và công nghệ Hàn Quốc, hiện là giáo sư trường đại học quốc gia Sunchon, viện sĩ IEEE và Viện hàn lâm kỹ nghệ Hàn quốc, chủ tịch hội đồng quốc gia Hàn quốc về hợp tác khoa học và công nghệ quốc tế; giáo sư Nim Cheung từ đại học Stanford, chủ tịch Hội truyền thông của IEEE, viện sĩ IEEE; giáo sư Jean-Marc Steyaert, chủ nhiệm Khoa Tin học của École Polytechnique, người đã đến Việt Nam giảng bài từ cuối những năm 1970, ...
2. Lễ thành lập Phân hội Việt Nam của IEEE (IEEE Vietnam section) tổ chức tối 6/3. Sau nhiều năm vận động, chuẩn bị và hoàn thành các thủ tục, tháng 2/2007 chúng ta đã có đủ số hội viên IEEE cần thiết và lễ thành lập Phân hội IEEE Việt Nam sẽ được tiến hành với sự tham gia của giáo sư Janina Mazierska, Chủ tịch IEEE vùng 10 (vùng châu Á Thái Bình Dương).
3. Hội thảo dành cho các đại biểu Việt Nam về đào tạo sau đại học “Nâng cao chất lượng đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ngành công nghệ thông tin”. Hội thảo tổ chức theo hình thức tham luận-thảo luận, với tham luận của một số giáo sư phụ trách đào tạo sau đại học ở các đại học, và thảo luận của người tham gia quanh các vấn đề: (a) Bản chất và yêu cầu của đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ? (b) Cách thức và chất lượng đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ngành CNTT hiện nay? (c) Những yếu tố quyết định chất lượng của đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ? (d) Làm sao để nâng cao chất lượng đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ? (e) Yêu cầu và đánh giá kết quả của thạc sĩ và tiến sĩ?.
Mục tiêu theo đuổi của những người bền bỉ tìm cách đem các hội nghị quốc tế chất lượng cao đến Việt Nam là nhằm giúp cho đông đảo nhà khoa học, giáo viên, sinh viên Việt Nam có thể tham gia các hoạt động khoa học quốc tế với chi phí thấp nhất trong điều kiện đất nước còn nghèo.
Để ra nước ngoài dự một hội nghị khoa học cần chừng 2000 USD cho vé máy bay, hội nghị phí, và tiền ăn ở. Hầu hết những người làm khoa học và nghiên cứu Việt Nam chưa có được điều kiện này. RIVF’07 miễn phí hoàn toàn cho sinh viên, nghiên cứu sinh, và thu một mức phí tối thiểu cho các đại biểu khác.
Đem đến cho người tham gia những cơ hội giao tiếp quốc tế tại chỗ và nội dung khoa học chất lượng là điều các hội nghị khoa học quốc tế tổ chức ở Việt Nam đóng góp để khoa học của chúng ta rút ngắn khoảng cách với bên ngoài. Đây là một điều có ý nghĩa ở các nước đang phát triển. Thí dụ như một sự kiện rất lớn, Hội nghị Liên Kết Quốc tế về Trí tuệ Nhân tạo IJCAI’07, tổ chức ngày 8-13/1/2007 tại Hyderabad (Ấn Độ) đã cho phép 280 đại biểu Ấn độ tham gia, khi chỉ có 5 người từ Ấn độ đến dự được IJCAI’05 tại Edinburg (Anh).
Hồ Tú Bảo
Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản
Trưởng Ban Chương trình RIVF’07