Hốt hoảng nước máy nhiễm thuốc tránh thai

  •  
  • 718

Gần đây, người dân Trung Quốc hốt hoảng khi biết nước máy họ đang sử dụng bị nhiễm thuốc tránh thai.

Sau khi thành phần phổ biến trong hầu hết các loại thuốc tránh thai hoàn thành nhiệm vụ ngăn chặn mang thai ngoài ý muốn, nó sẽ bắt đầu cuộc đời thứ hai với vai trò chất gây ô nhiễm “cứng đầu”, làm biến đổi giới tính của nhiều động vật.

Cụ thể, chất ethinyl estradiol trong thuốc tránh thai không chỉ gây tác động mạnh, như khiến cá và động vật lưỡng cư bị chuyển giới - mà việc loại bỏ nó khỏi nguồn nước là cực kỳ khó, nên chất này thường có trong các dòng nước tự nhiên.

Vì rất nhiều phụ nữ trên khắp thế giới sử dụng thuốc tránh thai, nên đây là vấn đề toàn cầu. Liên minh châu Âu (EU) là tổ chức đầu tiên đặt ra nhiệm vụ loại bỏ ethinyl estradiol (thường gọi là EE2) khỏi nguồn nước. Tuy nhiên, như các nhà nghiên cứu cho biết, việc loại bỏ chất này không hề dễ dàng.

Hormone tổng hợp trong thuốc tránh thai gây tác động lớn tới nhiều loài động vật.
Hormone tổng hợp trong thuốc tránh thai gây tác động
lớn tới nhiều loài động vật. (Nguồn: Livescience)

Vấn đề ở chỗ chi phí để loại bỏ EE2 khỏi nước rất tốn kém. Ước tính chi phí để nâng cấp khoảng 1.360 nhà máy xử lý nước ngọt tại Anh và xứ Wales tới mức đạt tiêu chuẩn an toàn sẽ ngốn khoản tiền lên tới 41 - 47 tỷ USD, GS. Richard Owen ở ĐH Exeter (Anh) cho biết.

“Một câu hỏi lớn đặt ra là: chúng ta có sẵn sàng chi trả khoản tiền khổng lồ đó cho xã hội hay không? Hay, theo một cách khác, chúng ta thích sống chung với tác động môi trường đó?” Owen nói.

Bình luận trên tạp chí Nature, Owen và Susan Jobling, nhà khoa học nghiên cứu các chất độc trong môi trường ở ĐH Brunel, viết rằng cần có thêm các cuộc thảo luận rộng rãi về sự cần thiết trong việc ban hành quy định liên quan.

EE2, một loại hormone tổng hợp, được con người bài tiết qua nước thải, kèm theo một số loại estrogen khác. Sau khi EE2 gia nhập vào môi trường tự nhiên, cơ thể các loài cá và ếch phản ứng với hormone này như thể nó là loại estrogen tự nhiên, nên những con đực bị chuyển đổi giới tính, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của chúng. Con đực chuyển giới thường sinh ra trứng trong tinh hoàn của chúng.

Vẫn chưa rõ EE2 trong nước cho ảnh hưởng tới chu kỳ sinh sản của động vật có vú hay không.

Màng lọc từ than củi là phương pháp loại bỏ các chất ô nhiễm như EE2 khỏi nước thải hiệu quả nhất. Các phương pháp khác cũng có thể hiệu quả, nhưng đòi hỏi đầu tư tốn kém, bà Jobling nói.

Theo Jobling, chỉ khi vấn đề này được đưa vào chương trình thảo luận chính sách thì xã hội mới không tiếp tục làm biến đổi hệ sinh thái thêm nữa.

Tham khảo: Livescience

Theo Đất Việt, Livescience
  • 718