Hungary cảnh báo cúm gia cầm

  •  
  • 62

Sau một loạt các quốc gia châu Á, mới đây quốc gia Trung Âu - Hungary phát hiện 5 con ngỗng chết tại một trại chăn nuôi ở miền nam nước này nghi do nhiễm cúm gia cầm.

Các quan chức y tế Indonesia tiêm văcxin cho gia cầm hôm 17-1 (Ảnh: AP)

Hãng tin MTI dẫn lời Fulop Benedek, một quan chức Bộ Nông nghiệp Hungary cho hay các quan chức thú y địa phương xác nhận khoảng 40 trong số 3.300 con ngỗng tại trại chăn nuôi này có triệu chứng của cúm gia cầm và 5 con đã chết.

Mẫu phẩm của những con ngỗng chết này đã được gửi tới thủ đô Budapest để kiểm tra, trong khi nhà chức trách thành lập một vùng bảo vệ xung quanh trại chăn nuôi này và thông báo mối lo ngại cúm gia cầm cho tất cả các tổ chức quốc tế.

Nếu được xác nhận, đây sẽ là trường hợp cúm gia cầm đầu tiên của Hungary kể từ tháng 6-2006. Tất cả các biện pháp nhằm hạn chế cúm gia cầm lây lan tại nước này đã được dỡ bở vào cuối tháng 8-2006.

* Tại Indonesia, theo sau lệnh cấm nuôi gia cầm ở khu dân cư, chính quyền thành phố Jakarta đã tiến hành giết bỏ hàng ngàn gà, vịt, chim nhằm ngăn ngừa virus H5N1 lây lan. Hiện nước này đã có 62 người chết vì cúm gia cầm, đa số nạn nhân đều được báo cáo có tiếp xúc với gia cầm nhiễm bệnh.

* Tại Hàn Quốc, hôm qua (22-1) các quan chức y tế Hàn Quốc đã thông báo kế hoạch tiêu hủy hơn 660.000 gia cầm và lợn nhằm nỗ lực ngăn chặn đợt bùng phát dịch cúm gia cầm mới.

T.VY (Theo Xinhua, AFP)

WHO cảnh báo nguy cơ dịch cúm gia cầm bùng phát rộng trên thế giới

Phát biểu khai mạc hội nghị Ban chấp hành Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 22-1, Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan cảnh báo thế giới nên đề phòng khả năng dịch cúm bùng phát sẽ lan rộng sang nhiều nước và khu vực. Bà Chan nêu bật thực trạng diễn biến dịch bệnh trong năm 2006 và khẳng định đây là năm có số người tử vong do cúm gia cầm cao nhất từ trước đến nay.

Theo thống kê của WHO, tổng cộng 161 trong tổng số 267 trường hợp được xác định mắc cúm gia cầm đã chết trong năm 2006. Tỷ lệ tử vong này chiếm tới 70% số người nhiễm virus cúm, cao hơn 10% so với tỷ lệ trung bình kể từ khi những trường hợp tử vong đầu tiên được xác định tại Trung Quốc và VN năm 2003.

WHO khẳng định những nước có dịch cúm gia cầm bùng phát rộng đã không dập tắt được dịch mặc dù đã có những nỗ lực rất cao. Điều này cũng có nghĩa phải cần vài năm nữa thế giới mới có đủ phương tiện cũng như biện pháp hữu hiệu để dập tắt dịch cúm gia cầm.

Các nhà khoa học lo ngại rằng số người nhiễm virus cúm gia cầm gia tăng có thể tạo điều kiện cho virus H5N1 biến thể thành chủng khác có khả năng lây nhiễm cao hơn, có thể gây đại dịch trên thế giới và giết chết hàng triệu người.

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, cho đến nay virus cúm gia cầm vẫn chưa dễ dàng truyền từ gia cầm sang người và về cơ bản đây chỉ là bệnh của gia cầm.

TTXVN

Theo Tuổi trẻ
  • 62