Hướng dẫn quan sát mưa sao băng Orionids đêm nay

  •   4,311
  • 10.463

Năm nay, nếu thời tiết cho phép, chúng ta sẽ có thể thấy nhiều sao băng dài và sáng với mật độ khoảng 20 sao băng mỗi giờ.

Cách quan sát mưa sao băng Orionids

Đêm nay rạng sáng mai, người yêu thích quan sát bầu trời sẽ có cơ hội chứng kiến cực điểm của mưa sao băng Orionids. Đây là mưa sao băng được coi là tương đối lớn hàng năm. Năm nay, nếu thời tiết cho phép, chúng ta sẽ có thể thấy nhiều sao băng dài và sáng với mật độ khoảng 20 sao băng mỗi giờ.

Lần đầu tiên mưa sao băng này được quan sát là vào các năm 1839 và 1940 bởi nhà quan sát E. C. Herrick. Lần đầu quan sát vào năm 1839 ông đã kết luận rằng trận mưa sao băng kéo dài từ mùng 8 tới 15 tháng 10. Lần quan sát năm 1840 ông đính chính rằng nó bắt đầu mùng 8 và kết thúc vào 25 tháng 10.

Tuy nhiên, người đầu tiên quan sát chính xác trận mưa sao băng này là nhà thiên văn Herschel, ông đã quan sát được 14 sao băng của trận này xuất phát từ khu vực của chòm sao Orion vào ngày 18 tháng 10 năm 1864 và năm tiếp theo, ông đã kết luận cực điểm của nó chính là là 20 tháng 10 (năm 1965). Khi đó Orionids đã là một trong số những trận mưa sao băng lớn nhất hàng năm có thể quan sát.

1,5 thế kỉ trôi qua, các thiên thạch của Orionids vẫn còn rất nhiều trên khí quyển Trái Đất và chúng ta vẫn có thể quan sát trận mưa sao băng này dù với mật độ sao băng nhỏ hơn trước khá nhiều. Nó không còn là một trận mưa sao băng thật sự lớn khi so sánh với các trận Perseids, Geminids hay thậm chí Leonids, nhưng vẫn là một hiện tượng thiên văn đáng chú ý với những người yêu thích quan sát bầu trời với mật độ những năm gần đây từ 25 tới 30 sao băng mỗi giờ.

Thời điểm

Năm 2017 này, hai đêm cực điểm của Orionids rơi vào thời gian nửa đầu tháng âm lịch. Do đó Trăng khá sáng nhưng sẽ lặn sớm, và khi ánh sáng của Mặt Trăng hoàn toàn không ảnh hưởng tới bầu trời nữa thì đó là lúc phù hợp nhất để quan sát. Như vậy, thời điểm lý tưởng nhất cho việc theo dõi hiện tượng này là vào rạng sáng ngày 21/10, trong khoảng từ 2h đến trước lúc bình minh.

Vị trí và góc nhìn

Bạn nên chọn cho mình vị trí quan sát có góc nhìn rộng, ít bị cản trở bởi cây cối hay các toà nhà cao, đồng thời hạn chế những nơi có nhiều ánh sáng nhân tạo, vì khi một bóng đèn chiếu vào mắt bạn thì nó sẽ làm bạn khó quan sát được bầu trời tối phía trên hơn nhiều (tất nhiên, đừng quên lưu ý bảo đảm an toàn cho bạn khi ra ngoài vào giữa đêm).

Vào thời điểm như nêu trên, hãy nhìn về bầu trời phía Đông, hơi chếch sang Đông Nam và tìm chòm sao Orion. Chòm sao này rất dễ nhận ra bởi ba ngôi sao sáng nằm thẳng hàng và cách đều nhau tạo thành thắt lưng của Orion, ngoài ra độ sáng nổi bật của các sao Betelgeuse, Rigel và Ballatrix cũng là những điểm khiến bạn không khó khăn gì để tìm thấy chòm sao này. Hầu hết các sao băng của Orionids đều xuất phát từ khu vực lân cận của chòm sao Orion, như bạn có thể thấy trong hình dưới.


Vị trí chòm sao Orion.

Thời tiết và ô nhiễm

Hãy hết sức lưu ý rằng bạn chỉ có thể quan sát hiện tượng này khi trời không mây hoặc rất ít mây. Mặt khác, những khu vực đô thị có mức độ ô nhiễm cao cũng làm ảnh hưởng rất lớn tới việc quan sát. Một phép thử đơn giản là hãy đứng ngoài trời tối từ 3 tới 5 phút để mắt bạn thích nghi, rồi quan sát bầu trời phía trên, nếu bạn không thể đếm được ít nhất vài chục ngôi sao (những chấm sáng bình thường trên bầu trời) thì bạn gần như không có cơ hội nào để quan sát mưa sao băng.

Các dụng cụ cần thiết

Một chiếc ống nhòm hay kính thiên văn nhỏ có thể giúp bạn ngắm dải sáng của Milky Way nếu muốn, nhưng chúng hoàn toàn vô ích đối với việc quan sát mưa sao băng. Cái bạn nên mang theo là một chiếc ghế, giường gấp hay chiếu để có tư thế thoải mái nhất khi quan sát, ngoài ra nếu trời lạnh cũng đừng quên áo ấm, và bất cứ thứ gì khác mà bạn thấy có thể bảo vệ an toàn cho bạn nếu không phải bạn đang quan sát tại ngay ban công nhà mình.

Cập nhật: 21/10/2017 Theo Trí Thức Trẻ/VACA - Hội thiên văn học trẻ Việ
  • 4,311
  • 10.463