Indonesia: Hai ngày rưỡi có 1 người chết vì H5N1

  •  
  • 84

Trong tháng 5/2006, trung bình cứ 2,5 ngày lại có 1 người thiệt mạng vì cúm gia cầm ở Indonesia. Cho đến nay, đã có ít nhất 36 người dân nước này chết vì cúm gia cầm.

Tổng số người chết vì bệnh này trên toàn thế giới là 127 kể từ khi dịch bùng phát năm 2003.

(Ảnh: cbsnews)

Hôm nay 2/6, Giám đốc Trung tâm phối hợp phòng chống cúm gia cầm thuộc Bộ Y tế Indonesia, Runizar Rusin, dẫn các kết quả xét nghiệm cho biết, một bé gái 7 tuổi và một bé trai 15 tuổi người Indonesia chết trong tuần này là do nhiễm cúm gia cầm.

Theo ông Rusin, bé gái có tên là Yohana, sống ở khu Pamulang, phía Tây Nam Jakarta, đã chết tối 1/6 sau khi đang được điều trị tại một bệnh viện ở thủ đô, còn người con trai chết hôm 30/5 ở Bandung, thủ phủ tỉnh Tây Java, đều có có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm gia cầm. Mẫu bệnh phẩm của hai ca này đã được gửi tới một phòng thí nghiệm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để xác nhận.

Các lo ngại hiện nay tập trung cho trường hợp 6 thành viên trong một gia đình tại một ngôi làng ở đảo Sumatra đều thiệt mạng vì cúm gia cầm. Các chuyên gia không tìm ra nguồn lây nhiễm giữa các thành viên gia đình này với gia cầm, nên đã nghi ngờ đã có sự lây truyền từ người sang người.

Tuy nhiên, không ai ngoài những người ruột thịt trong gia đình này mắc bệnh nên các chuyên gia tin rằng virus chưa bị biến thể. Các chuyên gia đặt giả thiết có thể một vài người có các loại gen dễ nhiễm virus cúm gia cầm.

Các chuyên gia cho rằng cách tốt nhất để khống chế dịch cúm gia cầm ở Indonesia là tập trung vào đàn gia cầm. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được thực hiện triệt để.

Nhiều chính quyền địa phương vẫn từ chối tiêu huỷ hàng loạt gia cầm trong những khu vực bị nhiễm bệnh, và việc tiêm phòng vaccine cũng không được thực hiện đầy đủ.Trong khi đó, những biện pháp như vậy đã giúp các nước từng bị cúm gia cầm hoành hành như Việt Nam và Thái Lan khống chế dịch bệnh.

Cả hai nước đều có những chỉ đạo mạnh mẽ từ chính quyền, và chính quyền đã đi đầu trong việc dập dịch.

Cũng theo WHO, số ca nhiễm H5N1 ở châu Phi, Trung Quốc và Indonesia thực tế có thể cao hơn nhiều so với con số đã được công bố. Lý do là vì mức đền bù cho người nông dân đối với gia cầm bị tiêu hủy quá thấp khiến họ tiếp tục lén lút nuôi và bị nhiễm bệnh.

Theo WHO, giải pháp hiện nay là các nước giàu nên hỗ trợ kinh phí cho các nước nghèo trong chương trình đền bù số gia cầm bị tiêu hủy, đồng thời tăng cường thông tin cảnh báo về sự nguy hiểm của H5N1 cho người nông dân.

Theo VnMedia, Tiền Phong
  • 84