James Watson nhà khoa học giỏi lãnh đạo

  •  
  • 1.802

Ngày 3-7, tại "nhà các khoa học gia" ở Matxcơva, James Watson đã giảng bài "ADN và não: cuộc tìm kiếm các gen bệnh tâm thần". Một phần lớn bài giảng có đề tài rất chuyên sâu này lại là những vấn đề chung khá lý thú về khoa học và chức năng của các cơ quan khoa học.

Nhà khoa học đoạt giải Nobel James Watson còn là một nhà tổ chức tài ba. Trong 35 năm (1968 - 2003) lãnh đạo phòng thí nghiệm Cold Spring Harbor - một trong những trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu Mỹ, ông đã chiêu mộ được một tập thể các nhà khoa học làm việc hiệu quả. Không chỉ thế, ông còn đảm bảo được nguồn tài trợ dồi dào.

James Watson bên cạnh mô hình ADN gắn liền với tên tuổi của ông. (Ảnh: genciencia.com)


Những nguyên tắc vàng

ADN và bệnh tự kỷ

Về công trình khoa học đang nghiên cứu, Watson cho biết ông đang tìm hiểu ảnh hưởng của những biến đổi gen lên sự phát triển các loại bệnh như tự kỷ, hội chứng Asperger (một dạng tự kỷ) và tâm thần phân liệt.

Nhà khoa học khẳng định để nghiên cứu bệnh tự kỷ hoặc tâm thần phân liệt, cần có bản đồ gen của người bệnh. Ông cho rằng trong tương lai, các công nghệ sẽ hoàn thiện, cho phép mỗi người nhận được giải mã gen đầy đủ của mình với giá tương đương giá mua một ôtô loại thường. Liên quan tới điều trị hai loại bệnh trên, nhà khoa học không lạc quan.

Theo ông, khó có đột phá trong lĩnh vực này ít nhất trong mười năm nữa. Hiện nay, chỉ có thể hi vọng các nhà nghiên cứu "đào xới" được tới căn nguyên của các bệnh này.

Nay đã 80 tuổi, giáo sư người Mỹ khẳng định chưa bao giờ mất hứng thú đối với khoa học. Nhưng ông làm nhiều người ngạc nhiên khi cho biết ông không nghiên cứu khoa học trong những năm lãnh đạo phòng thí nghiệm kể trên, bởi công việc chính của ông là tìm kiếm nhân tài.

Ông thú nhận đã tìm mọi cách để không thu nhận những khoa học gia danh tiếng. Thay vào đó, ông quan tâm tới những người trẻ muốn tìm hiểu về bệnh ung thư - một đề tài Watson cũng rất hứng thú. Ông cũng không trực tiếp cầm tay chỉ việc những người mình thu nhận. Ông chỉ thực hiện thật tốt nguyên tắc phân quyền, sao cho "nếu tôi có đi khỏi đó một năm, mọi việc vẫn đâu vào đấy". Watson kể đã cố làm sao cho mình trở nên "vô dụng một cách tối đa"

Một nguyên tắc nữa của Watson trong lãnh đạo phòng thí nghiệm là ủng hộ việc thay đổi nhân sự. Ông không để các nhà khoa học làm việc tại Cold Spring Harbor quá lâu. Vì thế tuổi trung bình của nhân viên ở đó chỉ khoảng 40.

Ngoài chính sách nhân sự, Watson còn nỗ lực "không làm bực mình các nhà tài trợ". Ông khẳng định nhờ đó mà Cold Spring Harbor không bao giờ túng tiền. Để lôi cuốn các nhà đầu tư cho phòng thí nghiệm, Watson ra sức chăm sóc khuôn viên tòa nhà, cụ thể là xây mới, trồng cây... để tạo sức thu hút cho trung tâm.

Trong bài nói chuyện của mình, Watson nhiều lần nhắc tới tốc độ. Tốc độ của các nghiên cứu và tiến trình ra quyết định. Ông nhấn mạnh: tốc độ cần thiết để khám phá, phát minh sớm hơn kẻ khác. "Đừng bao giờ nhận những công việc nếu bạn không tin mình sẽ không thể nào (làm) tốt hơn người khác" - ông khuyên nhủ. Một trong những yếu tố làm trì trệ các công trình khoa học, theo ông, là thành lập các ban bệ khác nhau. Dưới thời ông lãnh đạo phòng thí nghiệm, Watson tuyệt đối không để những cơ cấu quan liêu này xuất hiện tại đây.

Tài ba và thích xìcăngđan!

Nhà sinh vật học phân tử James Watson (Mỹ) sinh năm 1928. Năm 1950, ông nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành động vật học. Tuy nhiên, công việc của ông không đơn thuần chỉ gắn với động vật. Năm 1953, ông cùng đồng nghiệp Francis Crick khám phá cơ cấu phân tử của ADN. Năm 1962, Francis Crick, James Watson và lãnh đạo phòng thí nghiệm của họ - Maurice Wilkins, được trao giải Nobel nhờ công trình này.

James Watson (trái) và Francis Crick sau khi họ khám phá ra ADN năm 1953. (Ảnh: A. Barrington Brown)

Sau ADN, James Watson tiếp tục nghiên cứu về sinh vật học phân tử, nhận được nhiều giải thưởng khác nhau và viết nhiều sách, trong đó có sách giáo khoa chuyên ngành sinh vật học phân tử cũng như các tác phẩm khoa học nổi tiếng khác. Hiện ông đang là cố vấn cho Viện Khoa học về não Allen, mới được nhà từ thiện Paul Allen thành lập năm 2003 tại bang Washington.

Nổi tiếng với các phát biểu "gây hậu quả nghiêm trọng", lần này, tại Matxcơva, Watson lại tuyên bố: những phụ nữ nào không quan tâm tới trẻ em thường có khiếm khuyết gen liên quan tới tự kỷ. Tình yêu trẻ em và sự quan tâm tới chúng là những tính cách tự nhiên của phụ nữ. Một khi không có mong muốn này, có thể những phụ nữ này có những nhiễm sắc thể bị khiếm khuyết nhưng bệnh tật không bộc lộ trọn vẹn.

Chính những phát biểu gây sốc tương tự phát biểu này khiến James Watson phải rời khỏi Cold Spring Harbor. Đó là vào năm 2007, khi ông nói năng lực tri thức của người da đen và da trắng khác nhau, mà cụ thể là người đa đen kém thông minh hơn người da trắng; dù bằng chứng về di truyền của kết luận này chỉ có thể xuất hiện sau vài năm nữa. Tuyên bố của Watson đã khiến ông bị chỉ trích là phân biệt chủng tộc, dẫn tới việc phải rời Cold Spring Harbor.

Kết luận bài viết, Lenta.ru nhận định tuy không đáp ứng hết các thắc mắc liên quan đến đề tài đã rao, nhưng buổi nói chuyện của nhà khoa học James Watson không thể gọi là không lý thú. Ông đã làm đúng như từng khuyên người khác trong quyển sách Tránh làm người khác chán: "Đừng bao giờ nói những điều tẻ nhạt mà ai đó từng nói... Để không làm người khác chán, cần nỗ lực để chính mình không ngán bản thân mình... Thành công thường đến với những ai kịp làm gì đó sớm hơn những người còn lại, chứ không phải với những người thông minh hơn đối thủ của họ”.

Một chi tiết nữa khá lý thú trong chính bản thân James Watson: một bài báo trên Sunday Times ngày 9-12-2007 dẫn nguồn deCODE Genetics tiết lộ bản đồ di truyền của Watson cho thấy 16% ADN của Watson có nguồn gốc châu Phi và 9% gốc Á!

NG.THANH trích lược

(Theo Tuổi Trẻ Online)
  • 1.802
Xem thêm: câu chuyện ADN