Một nhóm nhà nghiên cứu đang kiểm tra giả thuyết hành tinh thứ 9 ẩn ở vành ngoài Hệ Mặt trời có phải hố đen nặng gấp 5 lần Trái đất hay không.
Các nhà khoa học ở Đại học Harvard và dự án Black Hole Initiative (BHI) phát triển một phương pháp mới để tìm kiếm hố đen ở rìa ngoài Hệ Mặt trời, đồng thời đưa ra kết luận cho giả thuyết về hành tinh thứ 9. Bài báo đăng trên tạp chí Astrophysical Journal Letters của họ mô tả dự án Legacy Survey of Space and Time (LSST) nhằm quan sát lóa bồi tụ (accretion flare), dấu hiệu có thể giúp chứng minh hoặc loại trừ khả năng hành tinh thứ 9 là một hố đen.
Mô phỏng hố đen nguyên thủy có thể tồn tại ở vành ngoài Hệ Mặt trời. (Ảnh: Amaze Lab).
Tiến sĩ Avi Loeb, giáo sư khoa học ở Đại học Harvard, Mỹ, và cộng sự phát triển phương pháp mới để tìm kiếm hố đen ở rìa Hệ Mặt trời dựa trên chớp lóa sinh ra từ sự phân rã của những sao chổi bị "nuốt chửng". Kết quả nghiên cứu cho thấy LSST có khả năng phát hiện hố đen bằng cách quan sát lóa bồi tụ từ các thiên thể trong đám mây Oort nhỏ.
"LSST có tầm quan sát rộng, liên tục bao quát toàn bầu trời với tốc độ hai lần một tuần và tìm kiếm chớp lóa. Các kính viễn vọng khác hoạt động tốt khi chĩa vào một mục tiêu đã biết, nhưng chúng ta không biết chính xác phải tìm kiếm hành tinh thứ 9 ở đâu. Chúng ta chỉ biết khu vực rộng lớn mà nó có thể tồn tại", Loeb giải thích.
Nghiên cứu mới tập trung vào hành tinh thứ 9 như ứng cử viên hàng đầu để quan sát. Vật thể này là trung tâm của nhiều giả thuyết và suy đoán. Phần lớn giả thuyết cho rằng đây là một hành tinh chưa được phát hiện. Tuy nhiên, giới nghiên cứu chưa thể loại trừ khả năng hành tinh thứ 9 là hố đen lớn cỡ quả nho nhưng có khối lượng gấp 5 - 10 lần Trái đất.