Khai quật hóa thạch 139 triệu năm của thằn lằn cá mang thai

  •  
  • 185

Một nhóm nghiên cứu khai quật bộ xương dài 4 m của một con thằn lằn cá chết khi đang mang thai nhiều con non trên sông băng Tyndall.

Hóa thạch của con thằn lằn cá mà các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Manchester, Anh, đặt tên là Fiona, được khai quật từ một sông băng đang tan chảy ở vùng Patagonia. Fiona đang mang thai khi nó chết cách đây 139 triệu năm và một số phôi thai vẫn nằm trong bụng nó.

Hình ảnh phục dựng của thằn lằn cá mang thai.
Hình ảnh phục dựng của thằn lằn cá mang thai. (Ảnh: N. Tamura)

"Hóa thạch thằn lằn cá ở tình trạng nguyên vẹn đến vậy trong môi trường cực hạn, phát lộ do sông băng thu hẹp dần, là phát hiện chưa từng có ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Số lượng lớn hóa thạch thằn lằn cá tìm thấy trong khu vực, bao gồm bộ xương hoàn chỉnh của cá thể trưởng thành, sắp trưởng thành và con non, sẽ mang tới cái nhìn độc đáo về quá khứ", tiến sĩ DeanLomax, nhà cổ sinh vật học làm việc trong dự án, cho biết.

Thằn lằn cá là động vật biển có vú sống ở thời khủng long, nổi tiếng với cơ thể hình cá, tương tự cá heo ngày nay. Hóa thạch của Fiona được phát hiện trong chuyến thám hiểm tới sông băng Tyndall vào tháng 3 và tháng 4/2022. Nhóm nghiên cứu cần leo 10 giờ hoặc cưỡi ngựa để tiếp cận sông băng này, khiến việc thu thập mẫu vật đặc biệt khó khăn.

Đây là con thằn lằn cá mang thai duy nhất được ghi nhận và khai quật từ thời Valanginian-Hauterivian đầu kỷ Phấn Trắng (129 - 139 triệu năm trước). Với chiều dài 4 m và nhiều con non trong bụng, hóa thạch sẽ cung cấp nhiều thông tin về loài vật như đặc điểm sinh học của quá trình phát triển phôi thai hoặc căn bệnh ảnh hưởng tới Fiona. Ngoài Fiona, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy 23 mẫu vật mới khác trong chuyến thám hiểm, biến sông băng Tyndall thành nghĩa địa chứa nhiều hóa thạch thằn lằn cá nhất thế giới.

Để khai quật Fiona, Lomax và cộng sự xây dựng một nhà kho phía trên khu đất ngăn gió mạnh, mưa và tuyết. Họ cũng cần thiết bị chuyên dụng để đào qua lớp đá cứng. Lớp đá ở rìa đá cứng đến mức không thể khai quật bằng búa và đục. Nhóm nghiên cứu phải cắt, khoan và phá vỡ từng khối đá bằng kim cương và dụng cụ khác.

Sau khi đào được hóa thạch Fiona, họ chuyển bộ xương từ sông băng Tyndall tới Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Rio Seco ở Punta Arenas cách đó 400 km. Họ sẽ chuẩn bị nghiên cứu hóa thạch trong phòng thí nghiệm cổ sinh vật học ở bảo tàng. Nhóm nghiên cứu hy vọng có thể so sánh thằn lằn cá trên sông băng Tyndall với nhiều bộ xương phát hiện trước đó ở châu Âu.

Cập nhật: 12/05/2022 Theo VnExpress
  • 185