Top 8 vật thể lớn nhất trong vũ trụ

  •   4,33
  • 4.805

Các nhà thiên văn học phát hiện một số loại thiên thể đồ sộ nhất trong vũ trụ, từ hành tinh tới siêu cụm thiên hà.

1. Hành tinh lớn nhất: ROXs 42Bb

 Mô phỏng hành tinh ROXs 42 Bb.
Mô phỏng hành tinh ROXs 42 Bb. (Ảnh: NASA).

Sao Mộc, hành tinh lớn hơn Trái đất 11 lần về bán kính, là hành tinh lớn nhất hệ Mặt trời. ROXs 42Bb là hành tinh lớn nhất tìm thấy trong vũ trụ. Nó có khối lượng gấp 9 lần và bán kính gấp 1,12 lần sao Mộc. Khoảng cách giữa ROXs 42 Bb và Trái đất là 440 năm ánh sáng. Do nằm ngoài hệ Mặt trời, nó thuộc nhóm ngoại hành tinh.

Thayne Currie, nhà thiên văn học ở Đại học Toronto, nhận dạng ROXs lần đầu tiên năm 2013. Đây là hành tinh khí khổng lồ giống sao Mộc. Trong khi Trái đất và sao Mộc mất lần lượt 365 ngày và 12 năm để quay quanh Mặt trời, ROXs 42 Bb hoàn thành một vòng quỹ đạo quanh sao chủ sau 1968,3 năm.

2. Ngôi sao lớn nhất: UY Scuti

Mô phỏng ngôi sao UY Scuti.
Mô phỏng ngôi sao UY Scuti. (Ảnh: Pixabay/Pexels).

Hơn một triệu Trái đất có thể xếp vừa bên trong Mặt trời, nhưng ngôi sao lớn nhất trong vũ trụ là UY Scuti đồ sộ đến mức có thể chứa 5 tỷ ngôi sao với thể tích tương đương Mặt trời. Nếu UY Scuti nằm ở trung tên hệ Mặt trời, vỏ ngoài của nó là quang quyển sẽ vượt ra ngoài quỹ đạo sao Mộc. Ngôi sao siêu khổng lồ này ở cách Trái đất 9.500 năm ánh sáng, được mô tả lần đầu tiên năm 1860 bởi một nhóm nhà thiên văn học đến từ Đài quan sát Bonn ở Đức. Thậm chí 160 năm sau phát hiện, giới thiên văn học vẫn chưa tìm ra ngôi sao nào lớn hơn.

UY Scuti được phân loại là sao biến quang do trải qua biến động về độ sáng sau mỗi 740 ngày. Các nhà khoa học suy đoán hiện nay nó đang ở pha dùng hết nhiên liệu hydro trong lõi và mở rộng thành sao siêu khổng lồ đỏ. Điều đó có nghĩa nó có thể trên đà tiến gần đến vụ nổ siêu tân tinh, đánh dấu kết thúc sự tồn tại của nó. Tuy nhiên, giới nghiên cứu chưa biết chính xác thời gian UY Scuti phát nổ.

3. Hệ sao rộng nhất

Hệ sao rộng nhất trong vũ trụ về mặt quỹ đạo chỉ bao gồm một hành tinh (2MASS J2126) quay quanh ngôi sao TYC 9486-927-1. Cách đây 7 năm, các nhà thiên văn học thậm chí không biết ngôi sao và hành tinh có bất kỳ mối liên hệ nào. Cả hai được xem như thiên thể trôi nổi tự do bởi nằm cách nhau 1.000 tỷ km trong không gian.

Tuy nhiên, năm 2016, một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế nhận dạng quỹ đạo khổng lồ của 2MASS J2126 và phát hiện hành tinh quay quanh TYC 9486-927-1. Khoảng cách giữa Trái đất và hệ sao độc đáo này là 104 năm ánh sáng. Quỹ đạo của 2MASS J2126 rộng gấp 140 lần quỹ đạo sao Diêm Vương trong hệ Mặt trời. Trừ quỹ đạo cực rộng và khoảng cách lớn với sao chủ, 2MASS J2126 mất gần 900.000 năm Trái đất để hoàn thành một vòng quỹ đạo.

4. Thiên hà lớn nhất: IC 1101

Thiên hà là tập hợp nhiều hệ sao. Một số báo cáo cho biết vũ trụ bao gồm khoảng 2.000 tỷ thiên hà. Những thiên thể đồ sộ này chứa hàng tỷ ngôi sao và nhiều thiên thể khác bên trong. Ví dụ, dải Ngân Hà ước tính chứa 100 tỷ ngôi sao và gần 100 triệu hố đen.

Tuy nhiên, con số đó chưa là gì so với IC 1101, thiên hà lớn nhất trong vũ trụ về mặt quy mô. IC 1101 lớn gấp 50 lần và nặng gấp 2.000 lần dải Ngân Hà. Các nhà thiên văn học cho rằng nó là ngôi nhà của 100.000 tỷ ngôi sao, trải rộng 6 triệu năm ánh sáng. Ngược lại, dải Ngân Hà chỉ có đường kính khoảng 100.000 năm ánh sáng. Một số chuyên gia suy đoán IC 1001 có thể hình thành do nhiều thiên hà va chạm và hợp nhất.

5. Hố đen lớn nhất: TON 618

Hố đen lớn nhất trong vũ trụ ước tính có khối lượng lớn gấp 66 tỷ lần Mặt trời. Hố đen siêu khối lượng này cung cấp năng lượng cho một chuẩn tinh (thiên thể cực sáng) mang tên TON 618 có độ sáng tương đương 140.000 tỷ Mặt trời. Nằm ở khoảng cách 18,2 tỷ năm từ Trái đất, TON 618 được phát hiện lần đầu tiên năm 1957.

6. Vườn ươm sao lớn nhất: Tinh vân Tarantula


Tinh vân Tarantula. (Ảnh: NASA)

Tinh vân là những đám mây khí và bụi khổng lồ trong vũ trụ, nơi những ngôi sao mới hình thành do ảnh hưởng của lực hấp dẫn, thay đổi nhiệt độ - áp suất và phản ứng nhiệt hạch. Tinh vân Tarantula hay còn gọi là 30 Doradus thuộc hàng lớn và sáng nhất trong số các tinh vân đã biết, theo NASA. Nó bao phủ khu vực trải rộng 1.800 năm ánh sáng trong vũ trụ và cách Trái đất 170.000 năm ánh sáng. Tinh vân Tarantula được phát hiện vào đầu thập niên 1750 bởi nhà thiên văn học người Pháp Nicolas-Louis de Lacaille. Tuy nhiên, kính thiên văn thời đó không đủ cao cấp để phát hiện những ngôi sao riêng lẻ và cấu trúc khác bên trong tinh vân. Mãi hơn 200 năm sau, khi giới thiên văn học chụp ảnh độ phân giải cao của Tarantula, họ mới nhận ra kích thước đồ sộ của nó.

7. Cụm thiên hà lớn nhất: El Gordo

Năm 2012, Đài quan sát tia X Chandra của NASA nhận dạng một cụm thiên hà cực lớn mang tên ACT-CLJ0102-4915. Khi các nhà thiên văn học tiến hành tính toán để xác định khối lượng của nó, kết quả khiến họ vô cùng bất ngờ. Khối lượng của ACT-CLJ0102-4915 ước tính gấp 3 triệu tỷ Mặt trời. Đây là cụm thiên hà lớn nhất từng được phát hiện và có biệt danh El Gordo nghĩa là "gã béo".

Giới thiên văn học suy đoán nó có thể hình thành do hai cụm thiên hà đồ sộ đâm vào nhau trong không gian ở tốc độ hàng triệu kilomet mỗi giờ. El Gordo cũng chứa thiên hà dài nhất có thể quan sát là La Flaca.

8. Thực thể lớn nhất trong vũ trụ: Bức tường lớn Hercules - Corona Borealis


Bức tường lớn Hercules - Corona Borealis. (Ảnh: Pablo Carlos Budassi/Wikimedia Commons).

Với chiều dài 6 - 18 tỷ năm ánh sáng, Bức tường lớn Hercules được cho là thực thể lớn nhất có thể quan sát trong vũ trụ. Nó là cụm thiên hà liên kết với nhau nhờ lực hấp dẫn. Kích thước của siêu cụm thiên hà này lớn đến mức ánh sáng mất khoảng 10 tỷ năm để truyền dọc toàn bộ chiều dài của nó. Bức tường lớn Hercules được phát hiện năm 2013 khi lập bản đồ chớp tia gamma, dạng ánh sáng nhiều năng lượng nhất.

Cập nhật: 21/11/2024 VnExpress
  • 4,33
  • 4.805