Khám phá bí mật từ những ngôi mộ

  •  
  • 1.789

Một chuyên gia thu nhặt miếng vải từng thuộc về một người lính Australia trong vùng giao tranh tại Fromelles, miền bắc nước Pháp, thời chiến tranh Thế giới thứ nhất, khi tiến hành khai quật mộ tập thể chôn những người lính Anh và Australia bị giết trong chiến tranh Thế giới thứ nhất.

Có rất nhiều công cụ phục vụ cho công việc của chuyên gia này, từ máy ủi, xẻng cho tới những chiếc chổi lông tinh xảo, nhíp phẫu thuật của bác sĩ hay gương của nha sĩ – và công việc của ông là khám phá ra những bí mật nằm sâu dưới mộ.

Được đào tạo trong điều tra tội ác chiến tranh tại Srebrenica, Bosnia và điều tra những hậu quả tàn bạo do chiến tranh gây ra ở Iraq, Roland Wessling là một trong số 12 nhà nhân loại học được đưa tới khai quật một hố chôn tập thể thời Thế chiến thứ nhất.

Trong suốt 5 tháng tiếp đó, người đàn ông Đức 39 tuổi này sẽ khai quật một cánh đồng lầy lội bên ngoài ngôi làng Fromelles thuộc miền Bắc nước Pháp để khôi phục và, nếu có thể, xác định danh tính của hàng trăm người lính Anh và Úc nằm trong đó.

Tổng số có khoảng 250 tới 400 người lính đã bị bắn giết trong một cuộc tấn công bi đát ở vùng giáp ranh địch ngày 19 tháng 7 năm 1916. Họ được phỏng đoán là đã bị quân Đức chôn tập thể trong 5 hố bên ngoài làng Fromelles.

Sau khi chiếc máy ủi đã lật lên lớp đất trên cùng hôm thứ 3, Wessling và 10 nhà khai quật đảm nhiệm phần còn lại, họ dùng xẻng và bay như những công cụ phẫu thuật để làm lộ ra phần trên các thi thể mà không chạm tới những phần còn lại.

“Mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi là đảm bảo rằng các thi thể sẽ không bị chút tổn hại nào,” ông nói. “Sau khi một thi thể đã được khảo sát đầy đủ, và được lưu vào biên bản, nó đó sẽ được dời đi một cách nguyên vẹn.”

“Toàn bộ quá trình sẽ được tiến hành cẩn thận để thể hiện sự kính trọng của chúng tôi đối với những người đã khuất.”

Việc khảo sát được chỉ thị bởi quân đội Astralia năm 2007 và 2008 đã giúp phát hiện những phần thi thể còn lại trong năm ngôi mộ, đây có lẽ là ngôi mộ tập thể lớn nhất được tìm thấy kể từ ngày chấm dứt Thế chiến thứ nhất năm 1918.

Các chuyên gia đã biết được rằng các thi thể nằm sát bên nhau, chia thành 2 lớp, ở độ sâu xấp xỉ 1 mét, và họ sẽ đào từ phía bên cạnh vào sát dần trung tâm.

“Chúng tôi cho rằng chủ yếu sẽ chỉ tìm thấy các phần xương còn lại; tuy nhiên, nguyên tắc đầu tiên trong nghề nghiệp này là phải biết trông chờ những điều không ai ngờ tới,” Wessling nói.

“Những thi hài này đã nằm xuống hơn 90 năm trước, nhưng vẫn có những khả năng hiếm hoi là chúng tôi sẽ tìm thấy da, hay các mô như ở một xác ướp,” ông nói. 

(Ảnh : Theo PhysOrg)

Wessling đã có nhiều năm thu thập các chứng cứ cho tòa án, từ Bosnia tới Iraq, Tây Ban Nha hay vùng Cyprus, và từng làm việc như một cố vấn điều tra hiện trường tội ác ở vương quốc Anh.

Ở Bosnia, ông đã học được kĩ năng nhìn vào vết cắt trong lòng đất để xác định xem hai ngôi mộ có được đào bằng cùng một chiếc máy hay không – đây có thể là bằng chứng cho hành vi giết người hàng loạt có tổ chức, hay nói cách khác là tội diệt chủng.

Cũng trong vụ này, các thông tin về hiện trường có thể giúp giải đáp được câu hỏi về danh tính của những người lính đã nằm xuống.

“Có thể thu được nhiều thông tin từ hiện trường,” ông nói. "Nếu một chiếc cúc áo nằm trên xương ức một người lính, thì bạn có thể nghĩ nó thuộc về người ấy.”

Nhưng kiểm tra gien, tham khảo thông tin do quân đội và gia đình binh lính cung cấp mới thực sự giúp xác định chính thức danh tính của những người lính – quá trình này được tính toán sẽ tiêu tốn mất 5 năm.

Làm việc dưới những lều dựng tạm trong điều kiện hiện trường tội ác, với áo bảo vệ và mặt nạ, nhóm khảo sát sẽ lấy các mẫu từ xương và răng của từng người lính để xác định xem liệu có nguyên liệu DNA để phục vụ cho việc phân tích hay không.

“Chúng tôi sẽ tiến hành điều tra pháp y một cách hợp lí, với việc đánh dấu mã vạch nghiêm ngặt và di chuyển cẩn thận từ hiện trường về phòng phân tích,” Peter Jones, nhà tư vấn gien cho Ủy ban phụ trách Mộ Chiến tranh khối Thịnh vượng chung, người đang giám sát việc khai quật tại đây, cho biết.

“Không có cách nào để đoán được là tư liệu gien có thắng được thời gian và chúng ta có thể dùng chúng cho việc phân tích hay không.”

“Có vẻ như tất cả đều ở trong tình trạng tốt, vì đây là vùng đất sét nhiều kiềm – nhưng chỉ có kiểm tra nồng độ axit một cách kĩ lưỡng mới giúp khẳng định được chắc chắn,” Jones nói.

Thêm vào những thử thách đó, các chuyên gia sẽ phải so sánh các mẫu gien, không phải với mẫu của những họ hàng gần gũi với người cần được xác định, mà với những họ hàng xa hơn nhiều, có thể là cháu chắt hay anh chị em họ ba đời.

“Nếu chúng tôi có được lí lịch DNA phù hợp, cộng thêm những yếu tố khác như đặc điểm khuôn mặt, bằng chứng giấy tờ, khi đó chúng tôi sẽ xác định được danh tính của một thi thể với độ chính xác cao,” Jones giải thích.

“Nhưng đây quả là một bài toán vĩ đại – thực tế, tôi nghĩ chưa từng ai giải một bài toán nào vĩ đại đến vậy.”

G2V Star (Theo PhysOrg)
  • 1.789