Một con cá voi cái đã được phát hiện và chụp ảnh hai lần – một lần tại nơi sinh sản thường kỳ của nó ở Brazil, và lần thứ hai là ở ngoài khơi biển Madagascar. Khoảng cách ngắn nhất giữa hai địa điểm là 9.800 km.
Nhóm nghiên cứu, do tiến sĩ Peter Stevick của trường Cao đẳng Đại Tây Dương ở Maine, Mỹ đứng đầu, cho rằng con cá voi có thể đã đi xa như thế trong hai cuộc hành trình riêng biệt. Nó chứng tỏ sự linh hoạt của loài vật thông minh này trong việc khám phá và thích ứng với môi trường sống.
Tiến sĩ Peter Stevick nói. “Có thể con cá voi này đã thực hiện một cuộc di chuyển thông thường tới Nam Cực và đến Madagascar từ đó. Nếu vẽ đường đi của nó, sẽ là từ Brazil tới vùng biển phía Nam và từ vùng biển phía Nam tới Ấn Độ Dương”.
Nhóm nghiên cứu trong một thời gian dài đã thu thập, kiểm tra các hình ảnh đuôi của cá voi trong một nỗ lực nhằm xây dựng một “bức tranh” về hành vi của cá voi lưng gù và mô hình di cư của chúng. Các nhà khoa học có thể xác định được con vật nhờ những bức ảnh chụp đuôi của nó hoặc thùy đuôi. Mỗi một con cá voi lưng gù đều có một dấu hiệu nhận diện duy nhất nằm trên thùy đuôi, giống như dấu vân tay.
Sự di chuyển dài giữa hai khu vực sinh sản khác nhau là một điều rất hiếm. Và sự kiện trở nên đặc biệt hơn khi đây lại là một con cá voi cái, khác với những con cá voi đực thường di chuyển xa để tìm kiếm bạn tình.
Tiến sĩ Stevick nhận định, đây có thể là những cuộc thăm dò nhằm tăng khả năng thích ứng của loài cá voi lưng gù trước những sự thay đổi của môi trường.