Phát hiện khủng long cổ dài ở lục địa băng

  •   52
  • 4.775

Lần đầu tiên, các nhà khoa học Ý đã phát hiện hoá thạch của khủng long cổ dài Sauropod ở Nam cực.

“Hoá thạch của khủng long Sauropod được tìm thấy khắp nơi trên thế giới, ngoại trừ Nam cực”, Ariana Paulina Carabajal, nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng thành phố Funes Carmen, Ý, cho biết. “Đây là lần đầu tiên hoá thạch của một cá thể Sauropod được tìm thấy ở lục địa băng”.

Ảnh minh hoạ Khủng long cổ dài (Ảnh Livescience)
Ảnh minh hoạ Khủng long cổ dài (Ảnh Livescience)

Cá thể đơn lẻ được phát hiện trên đảo James Ross ở Nam cực cho thấy các loài khủng long khổng lồ trong đó có Diplodocus, Brachiosaurus và Apatosaurus đã từng sinh sống ở đây thời Kỷ Phấn Trắng cách đây hơn 100 triệu năm.

Phát hiện vừa được báo cáo hôm 3/11 tại cuộc họp thường niên của Hội cổ Sinh vật học có xương sống.

Ariana Paulina Carabajal cho biết đây không phải lần đầu tiên hoá thạch của khủng long được tìm thấy ở lục địa băng. Năm 1986, các nhà khoa học cũng đã phát hiện bộ xương của khủng long Ankylosaur và kể từ đó một số hoá thạch của các loài khủng long khác cũng được tìm thấy.

“Có lẽ có rất nhiều khủng long ở Nam cực nhưng chúng tôi không tìm thấy vì rất khó khăn để đến được khu vực này và để tìm được hoá thạch tại đây cũng khó khăn không kém vì châu lục bị bao phủ bởi lớp băng dày. Ngay cả vào mùa hè khi băng tan và nứt thành từng mảng cũng không thể tìm thấy một bộ xương đầy đủ”, Ariana Paulina Carabajal nói.

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện hoá thạch của một số loài cá biển, bò sát và động vật không xương sống trên đảo James Ross.

Theo các nhà khoa học vào Kỷ Phấn Trắng, Nam cực được nối liền với Nam Mỹ và Úc vì vậy khủng long có thể di chuyển dễ dàng từ lục địa này sang lục địa khác.

Nam cực không cách xa phía nam như ngày nay do vậy lục địa băng có thể đủ ấm cho sự tồn tại của những con vật khổng lồ.

Khủng long cổ dài Sauropod rất phổ biến ở Nam Mỹ, cổ và đuôi dài, có thể nặng hơn 100 tấn. Chúng là động vật ăn cỏ.

Theo Livescience, Đất Việt
  • 52
  • 4.775