"Mưa chim" tại Mỹ là do ánh đèn điện

  •  
  • 1.626

Ánh sáng nhân tạo từ thành phố có thể là một trong những nguyên nhân khiến hàng nghìn con chim lao xuống đất tại Mỹ trong quá trình di cư.

>>> Chim rơi hàng loạt tại Mỹ

Vài nghìn con le hôi cổ đen, một loài chim sống dưới nước có hình dạng giống vịt, lao xuống các thành phố thuộc bang Utah của Mỹ trong mấy ngày qua. Ít nhất 1.500 con đã chết và hơn 3.000 con được cứu sống.

Một số chuyên gia và quan chức phụ trách bảo vệ động vật hoang dã của bang Utah nhận định chim lao xuống khu vực có tuyết vì nhầm tưởng đó là ao, hồ hoặc sông. Trong quá trình di cư chim thường đáp xuống các nguồn nước để nghỉ ngơi. Vào buổi tối, những khoảng trống bị bao phủ bởi tuyết trở nên sáng hơn, khiến chúng trở nên giống hệt hồ nước khi chim quan sát từ trên không.

Mưa chim' tại Mỹ là do ánh đèn điện

Kevin McGowan, nhà nghiên cứu chim thuộc Trung tâm Điểu học Cornell ở bang New York, Mỹ, nói rằng chim di cư dựa vào ánh sáng của các ngôi sao để định hướng trong quá trình bay. Nhưng khi bay qua các thành phố vào buổi tối trong điều kiện trời có nhiều mây, ánh sáng từ các bóng điện khiến chúng lúng túng.

"Trước khi ánh sáng từ bóng điện xuất hiện, bầu trời luôn tối hơn so với mặt đất", McGowan nói.

Khi các bóng điện được bật lên, ánh sáng nhân tạo hắt lên các đám mây khiến độ sáng bầu trời tăng lên tương đương mặt đất. Vì thế chúng lao xuống dưới mặt đất song lại nghĩ là chúng đang bay lên.

"Khi ánh sáng tràn ngập xung quanh, lũ chim không thể xác định được hướng lên và xuống", McGowan giải thích.

Trung tâm Sức khỏe Động vật hoang dã Quốc gia của Mỹ thống kê được vài trăm vụ chim rơi tập thể trong 10 năm qua, trong đó số chim chết trong 175 vụ lớn hơn 1.000. Chim rơi vì nhiều lý do - bao gồm bệnh tật, thời tiết, ngộ độc, hoảng sợ và đói.

Bà Teresa Griffin, giám đốc chương trình bảo vệ sinh vật hoang dã của bang Utah, nói rằng sự việc tại bang Utah khá bất thường vì chim rơi trên một phạm vi quá rộng. Chẳng hạn, người dân thấy xác chim ở khắp nơi trong thành phố Cedar và những nơi khác cách thành phố tới 50km về phía nam.

"Tôi đã làm công việc bảo vệ thiên nhiên 15 năm và đây là vụ chim rơi nghiêm trọng nhất mà tôi từng chứng kiến", bà nói với báo Spectrum.

Những nhân viên bảo vệ động vật hoang dã kể rằng khi họ thả le hôi cổ đen xuống các hồ trong hạt Washington, bang Utah, chúng hoạt động rất tích cực. Nhiều con hứng chịu chấn thương - như cánh gãy - do rơi xuống. Lynn Chamberlain, người phát ngôn của cơ quan bảo vệ động vật hoang dã, xương của chim có thể tự quay về trạng thái ban đầu sau khi gãy và con người không thể giúp được chúng. Thả chúng xuống nước, nơi chúng có thể kiếm thức ăn, là cách tốt nhất để tăng cơ hội sống sót của những con bị thương.

"Chúng tôi đã tạo cho chúng cơ hội tốt nhất. Tôi tin rằng phần lớn chúng sẽ sống sót", Chamberlain nhận định.

Theo Vnexpress
  • 1.626