Kết quả khảo cổ cho thấy có nhiều ký sinh trùng hút máu trên cơ thể xác ướp của những chú chó thời Ai Cập cổ đại này.
Mới đây, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu và tiết lộ nhiều bằng chứng khảo cổ học về nguyên nhân cái chết của những xác ướp chó thời Ai Cập cổ đại. Qua đó, các chuyên gia khẳng định, chính những ký sinh trùng hút máu đã khiến cho hàng trăm, hàng triệu chú chó thời Ai Cập bỏ mạng.
Cận cảnh xác ướp một chú chó bị nhiễm ký sinh trùng
Nhà nghiên cứu Jean-Bernard Huchet tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia ở Paris cùng các đồng nghiệp Françoise Dunand, Roger Lichtenberg của Đại học Strasbourg (Pháp) đã phát hiện dấu vết của loài ký sinh trùng trên hài cốt của chó. Những xác ướp chó bị nhiễm khuẩn này được tìm thấy ở khu hầm mộ xung quanh một pháo đài La Mã - xây dựng vào cuối thế kỷ III ở Ai Cập.
Huchet nói với Livescience: "Trong số hàng trăm xác ướp cho nghiên cứu, nhiều hài cốt trong đó nằm trơ xương hoặc vẫn còn quấn băng. Điều đáng tiếc là nhiều hài cốt đã bị hư hại khá nhiều bởi kẻ trộm".
Bọ ve vẫn lẩn trốn bên sau tai chú cho này
Tiến hành nghiên cứu sâu hơn, các nhà khoa học nhận thấy, nhiều chú chó đã bị bọ ve tấn công và hiện có những con vẫn bám vào lông hay nép mình ẩn sau tai trái của chúng. Dần dần, những con bọ ve này sinh sôi, lây truyền cho nhiều con chó khác. Nó sẽ lây nhiễm nhiều loại bệnh cho vật chủ có khả năng gây tử vong.
Các nhà khảo cổ cũng phát hiện ra loài rận hút máu chuyên bám chặt vào lông chó, nó sẽ khiến chó con bị sốt rồi dần xâm nhập phá hủy tế bào, gây ra cái chết sớm cho những chú chó con.
Hiện các nhà khảo cổ học vẫn tiếp tục nghiên cứu. Nhưng các chuyên gia cho rằng, những bằng chứng khảo cổ học này sẽ giúp họ có cái nhìn rõ nét hơn về nguồn gốc bệnh trong suốt lịch sử, cung cấp nhiều manh mối về sự lây lan bệnh ký sinh trùng và tiết lộ mối quan hệ giữa ký sinh trùng với sự phát triển con người - động vật.