Khi bé bị ốm

  •  
  • 781

Khi bị ốm, sự mệt mỏi và quấy khóc của bé thường làm bạn mệt mỏi và bối rối. Sự chăm sóc của bạn đôi khi làm bé khó chịu hơn... Bạn tự hỏi mình phải làm gì đây?

Bé đang sốt cao có nên đưa cháu tới bác sĩ không?

Có mẹ ở bên, bé sẽ được an ủi rất nhiều
(Ảnh: fitpregnancy)

Dù bé sốt cao, cũng vẫn có thể đưa đi được vì chỉ ở phòng khám bệnh, bác sĩ mới có nhiều phương tiện để khám bệnh cho cháu.

Có cần chăn mền cho cháu không?

Nếu cháu đang sốt, không nên đắp thêm chăn vì như thế sẽ làm thân nhiệt tăng thêm. Giữ nhiệt độ phòng từ 20oC -  22oC không để gió lùa, ở điều kiện như vậy cháu chỉ cần mặc một bộ quần áo ngủ, rộng, thoáng là đủ.

Cần săn sóc thế nào cho bé dễ chịu?

Căn phòng cần thoáng và đủ ấm.

Nếu lâu không mở cửa sổ, hãy chuyển cháu bé sang phòng khác một lát, trong khi làm vệ sinh: quét nhà, thay vải trải giường... Sau đó đóng cửa lại nếu cần để tránh gió, rồi lại chuyển cháu về.

Hàng ngày, vẫn lau mặt, cổ, rửa tay, chân cho cháu như bình thường.

Bạn có thể tắm cho cháu nhưng chú ý pha nước ở nhiệt độ 37 độ C và phòng tắm phải kín, không có gió.

Trong suốt thời gian bị ốm, cháu bé nào cũng muốn có bố hoặc mẹ, ông, bà... ở bên cạnh. Việc này làm cho bé thấy yên tâm và an ủi bé rất nhiều, mỗi khi bé bị khó chịu. Nếu nguời lớn không có điều kiện ở gần bé, có thể cho bé đồ chơi, sách có hình vẽ mầu để bé giải trí.

Không nên để bé nhận thấy nét mặt lo lắng, u sầu của người lớn về tình hình của bé.

Cần làm gì khi bé ra nhiều mồ hôi?

Nếu bé sốt và người đổ mồ hôi, thế là tốt. Vì đó là phản ứng của cơ thể để làm thân nhiệt hạ xuống. Nên lau khô mồ hôi và thay quần áo cho bé.

Có cần bắt bé nằm tại giường không?

Nếu bé thấy người mệt, bé sẽ tự động nằm nghỉ. Nhưng nếu bé không muốn nằm, thì không nên bắt buộc. Cứ để bé ngồi dậy hoặc đi lại trong phòng, đi tất cho cháu.

Đối với các cháu bị bệnh cần phải chữa trị lâu hoặc đang trong thời gian phục hồi sức khỏe, cứ để cháu chơi bình thường. Chỉ nên tránh những trò chơi làm cháu bị kích động và không cho chơi với trẻ khác để tránh sự lây nhiễm.

Chế độ ăn của trẻ bị bệnh như thế nào?

Với trẻ sơ sinh, nếu cháu không bị đi tướt có thể cho ăn như bình thường: không nên ép cháu ăn và chú ý cho cháu uống nước thêm. Nếu bé bị đi tướt, thì ngưng cho bú sữa và cho ăn theo chế độ riêng.

Với trẻ đã lớn, có thể cho ăn súp, nước rau, chuối nghiền, bánh mì nướng 2 lần, bánh bích quy. Nếu cháu có dấu hiệu khỏi bệnh, dần dần trở lại chế độ ăn bình thường.

Chú ý: Không nên ép buộc các cháu ăn

Nếu bé bị sốt, hãy cho cháu uống nhiều nước ban ngày cũng như ban đêm, vì sốt làm cơ thể các cháu thiếu nước, để cháu dễ uống, ngoài nước trắng có thể cho bé uống nước cam, nước chanh, nước súp, nước rau, nước đường v.v...

Thường các cháu thích uống nước mát hơn là nước nóng. Hãy cho các cháu uống nước mát - nhất là các cháu hay bị nôn ói. Nếu các cháu không chịu ăn thì các loại nước đường, súp, mật ong, nước cơm... cũng có thể cung cấp cho các cháu một ít calo.

Giờ giấc săn sóc như thế nào?

Nên tự quy định giờ giấc, thí dụ vào buổi sáng và 5 giờ chiều bạn sẽ đo nhiệt độ cho cháu, lau rửa mặt, ngoáy lỗ mũi, cho uống thuốc hay bôi thuốc. Việc săn sóc có giờ giấc như vậy đỡ làm cháu bị mệt hơn là phải điều trị lan man cả ngày.

Sau khi săn sóc cháu, bạn nên ghi thân nhiệt đo được lúc sáng, lúc chiều vào giấy cùng với các hiện tượng (nếu có) như: nôn ói, đi tướt, ho... để chuẩn bị nói lại cho bác sĩ biết, khi bác sĩ tới thăm, hoặc nói qua điện thoại.

Nếu bé mắc bệnh có thể lây lan, phải cách ly bé với các trẻ khác, kể cả người lớn đang mang bầu.

Chú ý: Không được để thuốc trong tầm tay của trẻ. Nhiều người để thuốc điều trị bệnh cho các cháu ở gần chỗ các cháu nằm, để tiện sử dụng. Như vậy rất nguy hiểm, nhất là đối với các cháu đang trong tuổi thấy cái gì lạ cũng cho vào miệng.

Thuốc điều trị cũng phải uống đúng liều lượng và đúng lúc.

Các cháu nhỏ thường dễ bị mầu sắc viên thuốc, hoặc vị ngọt của thuốc hấp dẫn.

BS PHẠM XUÂN HẬU - Báo Gia đình & Xã hội

Theo Tuổi trẻ Online
  • 781