Theo số liệu mới, lượng CO2 trong khí quyển đã tăng đột biến, với tốc độ nhanh nhất trong vòng gần 30 năm trở lại đây.
>>> Khí thải gây hiệu ứng nhà kính đạt mức kỷ lục mới
Theo nghiên cứu của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), nồng độ CO2 trong khí quyển giữa năm 2012 và 2013 đã tăng với mức nhanh nhất kể từ năm 1984. Bản tin Khí thải Nhà kính thường niên của WMO cho thấy mật độ CO2 trung bình toàn cầu trong không khí đạt mức 0.0396% vào năm 2013, tăng gần 0.0003% so với năm trước. Lượng CO2 trong khí quyển hiện này bằng 142% của năm 1750, trước khi cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu.
Bản tin của WMO không đo lượng khí thải ra từ các ống khói nhà máy điện mà ghi lại dữ liệu về lượng khí làm ấm trái đất còn lưu lại trong bầu khí quyển sau khi những tương tác phức tạp đã diễn ra giữa không khí, đất và biển. Theo thống kê, khoảng một nửa tổng lượng khí thải ra được biển, cây cối và những sinh vật sống hấp thụ.
Michel Jarraud, tổng thư ký của WMO, nói: “Bản tin Khí thải Nhà kính cho thấy, thay vì giảm thì nồng độ CO2 trong khí quyển lại đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong vòng gần 30 năm nay".
Tuy vậy, nhiệt độ trung bình toàn cầu chưa tăng cùng sự gia tăng CO2 liên tục này, khiến cho nhiều người tuyên bố rằng hiện tượng trái đất ấm lên đã dừng lại.
Ngư dân Alaska kêu cứu trước hiện tượng axit hóa đại dương
Phản bác những ý kiến đó, Oksana Tarasova, trưởng bộ phận nghiên cứu khí quyển tại WMO, cho biết: “Hệ thống khí hậu không đơn giản như một đường thẳng. Nó không nhất thiết phản ánh nhiệt độ trong bầu khí quyển, nhưng nếu ta nhìn vào hồ sơ nhiệt độ biển thì sẽ thấy nhiệt được hấp thụ vào trong lòng các đại dương".
Bản tin cũng cho thấy, năm 2013, sự gia tăng CO2 không chỉ là do lượng khí thải tăng mà còn do sự hấp thụ CO2 trong sinh quyển của trái đất giảm.
Các nhà khoa học tại WMO đang rất bối rối trước xu hướng này. Lần gần đây nhất có hiện tượng giảm khả năng hấp thụ CO2 của sinh quyển là vào năm 1998, khi việc đốt nhiên liệu sinh khối (biomass) diễn ra rộng khắp trên thế giới, cùng với đó là các tác động của hiện tượng El Nino lên sinh quyển.
Oksana Tarasova nhận định, trong năm 2013 không có tác động rõ rệt nào lên sinh quyển, bởi vậy hiện tượng này lại càng đáng lo ngại hơn. Họ chưa biết liệu đây chỉ là một hiện tượng tạm thời hay sẽ trở thành tình trạng lâu dài của sinh quyển. Có thể sinh quyển đã chạm đến giới hạn bão hòa, nhưng hiện tại vẫn chưa thể đưa ra kết luận gì.
Dữ liệu của WMO chỉ ra rằng từ năm 1990 đến năm 2013 đã có sự gia tăng 34% các tác động làm ấm khí hậu, bởi CO2 và các khí khác như methane và nitrous oxide có thể tồn tại rất lâu như vậy trong bầu khí quyển.
Lần đầu tiên, bản tin cung cấp cả dữ liệu về hiện tượng axit hóa đại dương do khí CO2. Theo WMO thì hằng ngày, các đại dương hấp thụ khoảng 4kg khí CO2 từ mỗi người trên trái đất. Họ tin rằng tốc độ axit hóa hiện nay là chưa từng có trong khoảng 300 triệu năm trở lại đây.
Những bằng chứng nói trên cho thấy cần phải có một hành động chính trị khẩn cấp và tập trung để giải quyết vấn đề, ví dụ như một hiệp ước khí hậu toàn cầu.
Trước tình hình này, các nhà lãnh đạo chính trị trên thế giới sẽ gặp mặt tại New York vào ngày 23/9 tới trong một Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt do Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi, nhằm khởi động cho các cuộc đàm phán tiếp theo để đi đến một thỏa thuận quốc tế mới về biến đổi khí hậu vào cuối năm 2015.
Tiêu đề đã được khoahoc.tv đổi lại.