Rừng Amazôn, Brazin được xem là lá phổi xanh của Trái Đất. Tại khu rừng này, việc đốn chặt cây luôn tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về môi trường.
Việc cây nào bị đốn chặt không phải ngẫu nhiên! Tại Công ty khai thác rừng "Precious Woods" có sự góp vốn của Thuỵ sĩ này, người ta đang áp dụng phương pháp quản lý rừng bền vững.
Công ty này khai thác một mảng rừng, có màu vàng trên bản đồ, trong vòng 1 năm và chỉ khai thác một số lượng hạn chế các cây để lấy gỗ và sau đó để yên cho chúng phục hồi phát triển trong vòng 25 năm.
"Precious Woods" là công ty đầu tiên nhận được "chứng chỉ xanh" từ Chính phủ Brazin. Tuy nhiên, chỉ có 5% số cây rừng bị đốn chặt tại Amazôn là được hưởng lợi từ chứng nhận môi trường này.
Giám đốc "Precious Woods" Paul Westbrook cho biết: "Phương pháp quản lý rừng bền vững có lợi về mặt kinh tế. Điều này đã được chúng tôi chứng minh. Phương pháp này góp phần tạo thu nhập cho những người sống xung quanh rừng, nhưng vẫn giữ được rừng. Nếu chúng ta không tuân thủ các quy tắc khai thác, thì rừng Amazôn có thể sẽ biến mất".
Dù vậy, mỗi ngày, các vệ tinh theo dõi rừng Amazôn ghi nhận tốc độ tàn phá rừng trái phép vẫn không giảm.
Theo Bộ trưởng Môi trường Brazin, để ngăn chặn rừng bị đốn chặt bừa bãi, ngoài các biện pháp trừng trị pháp luật nặng, việc quản lý rừng bền vững còn cần nỗ lực của tất cả mọi người. Năm ngoái, 28.000 kilômét rừng đã bị tàn phá bởi sự khai thác vô tội vạ của con người.