Một nghiên cứu mới công bố hôm 14/6 cho thấy, thể tích các hồ chứa toàn cầu đã giảm trong 20 năm qua bất chấp sự bùng nổ xây dựng đã làm tăng khả năng lưu trữ. Nghiên cứu nhận định, các đập mới sẽ không đủ để giải quyết tình trạng căng thẳng ngày ...
Hồ chứa thủy điện Mooserboden của Áo. (Ảnh: Reuters).
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Communications cho biết, theo dữ liệu vệ tinh, lượng nước cô lập trong 7.245 hồ chứa trên khắp thế giới đã giảm từ năm 1999 đến năm 2018, mặc dù công suất hàng năm tăng 28km3.
Bà Huilin Gao - tác giả nghiên cứu của Đại học Texas A&M (Mỹ), cho biết biến đổi khí hậu là nhân tố chính dẫn đến giảm hiệu quả trữ nước của hồ chứa, song nhu cầu nước tăng cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Bà Gao giải thích, ngay cả khi nhiệt độ ngừng tăng, nhu cầu về nước và các công trình xây dựng mới vẫn tiếp tục tăng.
Theo nghiên cứu, tình trạng giảm lượng trữ nước tập trung ở phía Nam, đặc biệt là khu vực châu Phi và Nam Mỹ - nơi có nhu cầu nước tăng nhanh và các hồ chứa mới không trữ đầy nước nhanh như dự kiến. Tuy nhiên, nghiên cứu đã không tính đến tác động của trầm tích - vấn đề dai dẳng được dự đoán sẽ làm giảm 25% lượng nước dự trữ vào năm 2050. Tình trạng hạn hán kéo dài cũng đặt ra câu hỏi về tính khả thi của các hồ chứa lớn.
Tuần trước, Hiệp hội Thủy điện Quốc tế (IHA) cho biết, các đập và hồ chứa mới đóng vai trò quan trọng, giúp điều tiết dòng nước dễ dàng hơn trong bối cảnh khí hậu cực đoan ngày càng gia tăng. Theo IHA, khi khí hậu trở nên bất ổn, con người sẽ cần đến nhiều cơ sở hạ tầng chứa nước hơn, đây cũng là nguồn cung cấp điện quan trọng có mức phát thải carbon thấp.