Tại sao chị em ngủ ít hơn và thức dậy nhiều hơn các anh?

  •  
  • 126

Một nghiên cứu mới đã nêu bật sự khác biệt đáng kể về giấc ngủ giữa giống đực và cái, cho thấy các yếu tố sinh học có ảnh hưởng lớn hơn so với lối sống trong việc xác định các kiểu giấc ngủ.

Theo SciTechDaily, phát hiện này thúc đẩy việc đánh giá lại các nghiên cứu y sinh học trước đây, vốn thường loại trừ nữ giới, dẫn đến những khả năng hiểu sai trong quá trình phát triển các loại thuốc và hiệu quả điều trị liên quan đến giấc ngủ.

Sự khác biệt giới tính trong các kiểu giấc ngủ

Theo một nghiên cứu mới được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại University of Colorado Boulder (Mỹ), nữ giới có xu hướng ngủ ít hơn, thức dậy thường xuyên hơn và trải nghiệm ít giấc ngủ phục hồi hơn so với nam giới.

Nghiên cứu, được công bố trên Scientific Reports, nêu bật các yếu tố sinh học có thể giải thích cho những khác biệt này và nhấn mạnh tác động tiềm tàng lên nghiên cứu y sinh học, vốn chủ yếu tập trung vào nam giới.

"Ở con người, nam và nữ có những kiểu giấc ngủ khác nhau rõ rệt, thường được cho là do các yếu tố lối sống và vai trò chăm sóc gia đình", Rachel Rowe, tác giả chính và phó giáo sư sinh lý học tích hợp, giải thích.

Nữ giới có xu hướng ngủ ít hơn so với nam giới
Nữ giới có xu hướng ngủ ít hơn, thức dậy thường xuyên hơn và trải nghiệm ít giấc ngủ phục hồi hơn so với nam giới - (Ảnh: Reuters).

"Kết quả nghiên cứu của chúng tôi gợi ý rằng các yếu tố sinh học có thể đóng vai trò quan trọng hơn nhiều trong việc dẫn đến những khác biệt về giấc ngủ này so với những gì trước đây được công nhận", cô nói thêm.

Nghiên cứu về giấc ngủ đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, với hàng ngàn nghiên cứu trên động vật khám phá cách thiếu ngủ ảnh hưởng đến nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường, béo phì, Alzheimer và rối loạn miễn dịch - và ngược lại, cách các bệnh này ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Trong khi đó, chuột thường là đối tượng đầu tiên được thử nghiệm để xem thuốc mới, bao gồm các loại thuốc cho giấc ngủ, có hiệu quả và tác dụng phụ ra sao. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy nhiều kết quả có thể bị lệch lạc do thiếu sự đại diện của nữ giới.

"Về cơ bản, chúng tôi phát hiện ra rằng giống chuột được sử dụng phổ biến nhất trong nghiên cứu y sinh học có hành vi giấc ngủ khác biệt theo giới tính, và nếu không tính đến sự khác biệt này, rất dễ dẫn đến các diễn giải sai lầm về dữ liệu", Grant Mannino, tác giả nghiên cứu, cho biết.

Tầm quan trọng và tác động của nghiên cứu về giấc ngủ

Trong nghiên cứu không xâm lấn này, các tác giả đã sử dụng các lồng chuyên dụng có cảm biến chuyển động siêu nhạy để đánh giá các kiểu giấc ngủ của 267 con chuột mang mã "C57BL/6J". Chuột đực ngủ tổng cộng khoảng 670 phút trong mỗi 24 giờ, nhiều hơn chuột cái khoảng 1 giờ.

Phần giấc ngủ thêm đó thuộc về giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh (NREM) - loại giấc ngủ phục hồi khi cơ thể tự chữa lành.

Chuột là động vật sống về đêm và có kiểu ngủ "đa pha" - ngủ một vài phút, sau đó thức dậy để quan sát môi trường xung quanh rồi ngủ lại. Nghiên cứu cho thấy giấc ngủ của chuột cái bị phân đoạn nhiều hơn.

Những khác biệt giới tính tương tự cũng được thấy ở các loài khác, bao gồm ruồi giấm, chuột cống, cá ngựa vằn và chim. Điều này có ý nghĩa về mặt tiến hóa.

"Về mặt sinh học, có thể nữ giới được thiết kế để nhạy cảm hơn với môi trường xung quanh và thức dậy khi cần thiết vì họ thường là người chăm sóc con non", Rowe giải thích. "Nếu phụ nữ cũng ngủ sâu như nam giới, chúng ta sẽ không tiến hóa được như một loài".

Hormone căng thẳng như cortisol góp phần kích thích sự tỉnh táo và hormone sinh dục cũng có thể đóng vai trò nhất định. Ví dụ, phụ nữ thường báo cáo giấc ngủ tệ hơn trong thời điểm chu kỳ kinh nguyệt khi mức estrogen và progesterone thấp nhất.

Sự thiên lệch giới tính vẫn tồn tại trong các nghiên cứu

Năm 2016, Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ bắt đầu yêu cầu các nhà khoa học khi xin tài trợ cho nghiên cứu trên động vật phải xem xét "giới tính như một biến thiên sinh học". Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy sự thiên lệch giới tính vẫn tồn tại, và điều này có thể dẫn đến những hậu quả thực sự.

"Chúng tôi hy vọng nghiên cứu của mình sẽ thúc đẩy các nhà khoa học đưa cả hai giới vào nghiên cứu một cách đồng đều, phân tích dữ liệu riêng biệt cho nam và nữ, và đánh giá lại các nghiên cứu trước đây có sự thiếu sót đại diện nữ giới", Rowe kết luận.

Nếu nữ giới bị đại diện thấp, các loại thuốc hiệu quả nhất cho họ có thể trông như không hiệu quả, hoặc các tác dụng phụ nặng nề nhất có thể không được phát hiện.

"Phát hiện đáng ngạc nhiên nhất ở đây không phải là chuột đực và chuột cái ngủ khác nhau, mà là không ai thực sự chứng minh điều này một cách kỹ lưỡng cho đến bây giờ", Rowe nói. "Chúng ta lẽ ra phải biết điều này từ lâu, trước năm 2024".

Cập nhật: 28/11/2024 Tuổi Trẻ
  • 126