Với sự giúp đỡ của Trung tâm Sinh học Thực nghiệm (Bộ KH&CN), các hộ người dân tộc Dao ở vùng núi Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn, đang từng bước khôi phục giống đào quý nổi tiếng của vùng.
Đào Mẫu Sơn nổi tiếng từ lâu trong cả nước với màu sắc và hương vị rất riêng. Đào có màu xanh trắng, vị ngọt lịm mà lại giòn tan, thịt đào đỏ au và có mùi thơm dịu đặc trưng, khác hẳn với đào Trung Quốc chín đỏ rực, thơm nức nhưng thịt lại mềm nhũn.
Tuy nhiên, từ cuối những năm 1980, do người dân không chăm sóc, nhân giống đúng cách hoặc phá bỏ các gốc đào để trồng các loại cây khác, đào Mẫu Sơn đã dần bị thoái hóa và lai tạp.
Từ 1998 đến 2002, một dự án nhằm khôi phục 2 ha đào thuộc Chương trình nông thôn miền núi đã được triển khai tại xã Mẫu Sơn, nhưng kết quả không đáng kể, năng suất cây trồng vẫn thấp, quả nhỏ và nhiều sâu bệnh.
Giống đào quý này sẽ tiếp tục rơi vào quên lãng nếu như không có đề tài "Nghiên cứu tuyển chọn, nhân giống và kỹ thuật thâm canh cải tạo vùng đào đặc sản ở khu du lịch Mẫu Sơn" do các nhà nghiên cứu của Trung tâm Sinh học Thực nghiệm thực hiện tại vùng đào của thôn Khuổi Cấp, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình và thôn Pắcđây, xã Công Sơn, huyện Cao Lộc.
Thông qua việc hướng dẫn người dân những biện pháp thâm canh cải tạo vườn đào đơn giản như đốn tỉa cành, quả, ghép cải tạo cây cũ, bón phân hợp lý và phòng trừ sâu bệnh bằng phương pháp sinh học, các nhà khoa học đã giúp năng suất và chất lượng vườn đào Mẫu Sơn được cải thiện rõ rệt.
Chỉ sau một năm, vụ thu hoạch đầu tiên đã cho kết quả rất khả quan, quả đào Mẫu Sơn đã khác hẳn những năm trước, sai quả hơn, to hơn và ít bị sâu bệnh hơn. Theo người dân địa phương, trong hai năm qua, vụ đào nào cũng sai quả và vụ sau thu hoạch tốt hơn vụ trước, thay vì cứ một vụ ra quả lại một vụ mất mùa như trước đây.
Anh Trần Quang ở thôn Pắcđây cho biết trước đây, khu vườn 300 gốc đào của gia đình chỉ thu hái được nhiều nhất là 20 kg trên mỗi cây, phần nhiều quả chưa chín đã rụng hết vì sâu bệnh. Nhưng sau khi áp dụng các kỹ thuật nói trên, mỗi cây đã cho tới 50 kg đào và kích cỡ của quả cũng ngày càng to.
Các nhà khoa học cũng đã đánh giá và tuyển chọn được 16 cây đầu dòng bản địa, có khả năng sinh trưởng tốt và cho năng suất cao. Những gốc cây này sẽ được sử dụng để nhân giống vô tính phục vụ việc khôi phục phát triển vùng đào đặc sản tại Mẫu Sơn trong thời gian tới.