Khởi tranh mùa Robocon

  •  
  • 551

Trong bốn ngày từ 17 đến 20/4, vòng loại Robocon khu vực phía Bắc chính thức khởi tranh. Một mùa Robocon mới lại bắt đầu, mùa của sự đam mê, của tình yêu công nghệ và khát khao chiến thắng...

Ăn robot, ngủ robot...

Đến Đại học Bách khoa vào những ngày này, có thể nhận thấy một không khí “ăn robot, ngủ robot”. Các đội tham gia dự thi Robocon đang gấp rút hoàn tất những khâu cuối cùng để chuẩn bị cho vòng đấu loại khu vực miền Bắc.

Gặp Đào Việt Hùng (Đội trưởng BK - FET) khi cậu đang tranh thủ “đánh chén” mì tôm buổi sáng ngay tại hiện trường.

Chỉ cho chúng tôi một mớ chăn chiếu, đồ đạc lỉnh kỉnh, Hùng vui vẻ: “Các thầy trong khoa cho mượn phòng này làm nơi chế tạo, lắp ráp robot. Gần một tháng nay, đội em đóng đô ở đây luôn. Khi đã bắt tay vào làm thì chẳng còn để tâm đến gì khác nữa... Lúc nào thấy mệt thì nghỉ, thấy đói... thì ăn, xong rồi lại lăn vào làm tiếp”.

Những đôi mắt thâm quầng - sau nhiều đêm thức trắng, những cái ngáp dài vì thiếu ngủ, nhưng các thành viên đội đều sẵn bầu nhiệt huyết. Minh Sơn, tâm sự: “Nhìn thấy Robot của mình hoạt động hiệu quả, chinh phục được mục tiêu là mọi mệt mỏi đều tan biến hết”.

Khác với BK – FET, các chàng trai trong BK – BIA+ tập hợp nhau khá muộn và chuẩn bị cho cuộc thi chỉ cách đó hai tuần. “Thời gian gấp nên mọi thành viên hết sức nỗ lực và tập trung tuyệt đối”.

Được biết, Robot bằng tay được các bạn hoàn tất trước vòng loại trường có ba ngày, nhưng nó đã hoàn thành khá xuất sắc nhiệm vụ. “Đi tiếp vào vòng trong là một điều may mắn, song cũng đồng thời là thành quả có gắng của cả đội” - Đội trưởng Lê Ngọc Tuấn chia sẻ.

Tham gia vòng loại khu vực phía Bắc, ĐH Bách khoa chiếm ưu thế áp đảo với 15 đội tuyển. Anh Hồ Thành Nam, cán bộ phòng khoa học phụ trách mảng Robocon của trường khẳng định: “Các đội Robocon Bách khoa đều đã chuẩn bị khá công phu và sẵn sàng vào cuộc. Nhất định sẽ cống hiến cho khán giả những màn trình diễn, chinh phục ấn tượng mang thương hiệu Bách Khoa”.

Đam mê công nghệ, ước mơ được tham gia sân chơi robocon từ hồi học phổ thông, ba chàng trai Nguyễn Phúc Vĩnh, Phùng Văn Mạnh, Trần Văn Huấn đến từ Viện Đại học Mở Hà Nội đã cùng chung sức xây dựng đội Robocon mang tên VOCANO.

Lần đầu tiên cọ xát trong một sân chơi lớn, chưa có kinh nghiệm, lại hoàn toàn tự túc từ A đến Z, song các thành viên VOCANO không hề thiếu tự tin bởi “được cống hiến hết mình cho niềm đam mê đã là một hạnh phúc lớn”.

Đáng chú ý là năm nay nổi lên một số “tân binh” có khả năng cạnh tranh khá cao như: Đại học Công nghiệp, Đại học Điện lực…

Đội tuyển Robocon Học viện Kỹ thuật quân sự tập thử sân trước khi thi đấu


Sân chơi của ý tưởng và sự sáng tạo

Đề thi năm nay được đánh giá là tương đối hay, song có phần đơn điệu hơn năm ngoái. Cục diện trận đấu sẽ được quyết định sớm, chứ không cần phải đợi đến phút chót.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, năm nay cơ khí đóng vai trò rất quan trọng. Đội nào cơ khí vững sẽ đẩy cao được tốc độ robot, chỉ việc đi thẳng mà không cần dò đường, do đó rút ngắn tối đa thời gian chinh phục.

Tuy nhiên, “đẳng cấp lại được thể hiện ở chính các robot tự động” - Minh Sơn, chịu trách nhiệm chính thiết lập chương trình cho robot tự động BK - FET khẳng định. Người lập trình phải tính toán linh hoạt để nâng cao vai trò, giải quyết vấn đề ở robot tự động là bảo vệ quà của mình và đi phá quà đội bạn. Nếu kết hợp thành công hai nhiệm vụ đó có thể đảm bảo chiến thắng trước bất cứ đối thủ đáng gờm nào.

“Ban đầu, bí nhất là hình thành ý tưởng sáng tạo robot, cách thức vận hành ra sao thỏa mãn tốt nhất yêu cầu đề bài”- Việt Hùng kể lại. “Nhiều khi giữa các thành viên trong đội nảy sinh mâu thuẫn, bất đồng quan điểm. Thống nhất được tiếng nói chung không phải bao giờ cũng dễ dàng”.

“Những robot đơn giản nhưng đạt sự ổn định và tốc độ là phương châm hướng tới của đội mình”. Các thành viên BK – FEt bật mí. Mỗi robot bằng tay sẽ tập trung vào một thế mạnh riêng. Trong quá trình thi đấu nó sẽ gây khó khăn lớn cho đội bạn khi tìm phương án đối phó.

Được đánh giá rất cao ở chiến thuật cản phá, các đội tuyển robocon Học viện Kỹ thuật quân sự năm nay vẫn tiếp tục phát huy sở trường. Nguyễn Việt Hùng, thành viên đội MTA – SUNPAC cho biết: “Toàn đội đã nghiên cứu khá kỹ các giải pháp cản phá. Tự đặt nhiều tình huống có thể xảy ra trong thực tế để có biện pháp khắc phục. Chiến thuật cản phá lợi hại như thế nào xin giữ bí mật đến phút cuối, để khán giả khám phá qua mỗi trận thi đấu”.


Còn theo Phạm Xuân Tiệp, một thành viên giàu kinh nghiệm, từng đạt giải ba trong kì thi robocon năm ngoái: “Sự chuẩn bị chu đáo và chiến thuật linh hoạt là hành trang giúp bọn mình tự tin đến với cuộc thi”.

Đáng chú ý là nhiều đội tuyển đã tiên phong ứng dụng công nghệ cao như xử lý ảnh, cảm biến màu trong quá trình chế tạo. Đây là một bước tiến mới giúp sinh viên được tiếp cận, tìm hiểu và nâng cao trình độ về các lĩnh vực công nghệ trên thế giới.


Luật chơi Robocon 2008

* Luật chơi năm nay dựa trên một câu chuyện thần thoại của người Ấn Độ liên quan đến Thần Krishna (một vị thần người Hin du) và lễ hội Dahi – Handi, được tổ chức hàng năm ở Bắc Ấn Độ.

* Hai đội chơi (một đội Đỏ và một đội Xanh) sẽ điều khiển các robot bằng tay và robot tự động cố gắng đi đến những nơi chứa Bơ được đặt trên cao và lấy những miếng Bơ (Makhkhan) từ trong cái bát.

* Những robot khác cũng cố gắng “lấy cắp” các Bình Đất (Matkas) chứa đựng những quả Pho-mát (Paneer) được mang bởi các cô gái (Gopis).

Điểm số kiếm được khi những miếng Bơ được đưa ra khỏi cái bát và đưa lên cao. Điểm cũng được tính cho mỗi chiếc Bình (Pot) và miếng Pho - mát được đem đến những chiếc rổ bên ngoài.

* Đội nhấc được ba miếng Bơ trực tiếp từ những cái bát và giữ nó trên không sẽ đương nhiên đạt được “GOVINDA” (chiến thắng tuyệt đối) và trận đấu kết thúc.

Nếu không có đội nào đạt “GOVINDA” thì đội nào có tổng số điểm đạt được trong thời gian 3 phút lớn hơn sẽ là người chiến thắng.

* Mỗi đội phải thiết kế và chế tạo robot tự động và robot bằng tay để tham gia cuộc thi. Chỉ được phép sử dụng 1 robot bằng tay và 3 robot tự động (theo giới hạn khối lượng cho phép của Ban tổ chức).

Phạm Huệ - Huyền Trang (Báo Tiền Phong)
  • 551