Kính viễn vọng James Webb gặp va chạm ngoài vũ trụ

  •  
  • 1.661

Trong bài blog được đăng giữa tháng 11, đại diện Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết kính viễn vọng James Webb trị giá 10 tỷ USD đã có 14 lần va chạm với đá không gian, gây ra thiệt hại không thể sửa chữa.

Ảnh minh họa của kính viễn vọng James Webb ngoài không gian.
Ảnh minh họa của kính viễn vọng James Webb ngoài không gian. (Ảnh: NASA).

"Chúng tôi thấy 14 lần vi hạt không gian va chạm với tấm gương, trung bình từ một đến 2 lần mỗi tháng", Mike Menzel, kỹ sư trưởng sứ mệnh James Webb, thuộc Trung tâm Goddard Space Flight của NASA chia sẻ.

Theo Menzel, thiệt hại từ đa số vụ va chạm nằm trong tính toán của NASA. Một trường hợp va chạm đặc biệt xảy ra vào tháng 5, được phân loại "sự kiện ngẫu nhiên không thể tránh khỏi" khiến James Webb lệch khỏi vị trí được thiết lập.

Để khắc phục, nhóm kỹ sư đã điều chỉnh 18 tấm gương cho khớp vị trí mới. Theo Forbes, các vụ va chạm đều xảy ra trên những tấm gương dát vàng của James Webb.

Va chạm với đá không gian siêu nhỏ (vi hạt không gian - micrometeoroid) là sự cố quen thuộc với những thiết bị hoạt động trong quỹ đạo gần Trái Đất. Những rủi ro khác gồm bức xạ vũ trụ, ánh sáng cực tím và hạt tích điện từ Mặt Trời.

Theo Live Science, Mạng lưới Giám sát Không gian Mỹ (Space Surveillance Network) theo dõi hơn 23.000 mảnh vụn không gian, kích thước lớn hơn quả bóng mềm. Tuy nhiên, có hàng triệu vật thể nhỏ hơn mà hệ thống không thể quan sát. Do đó, NASA và các cơ quan vũ trụ luôn có kế hoạch xử lý các sự cố va chạm ngoài không gian.

Khi phát triển James Webb, các kỹ sư đã cho tấm gương va chạm với các vật thể có kích thước tương tự vi hạt không gian, nhằm đánh giá tác động của chúng đến cách vận hành của kính viễn vọng.

Sự cố hồi tháng 5 là trường hợp hiếm gặp, song các kỹ sư đã điều chỉnh vị trí tấm gương để tránh hướng đi của các vi hạt không gian, có thể di chuyển với tốc độ cao hơn.

Một sự cố va chạm hồi tháng 5 khiến tấm gương C3 của James Webb bị lõm
Một sự cố va chạm hồi tháng 5 khiến tấm gương C3 của James Webb bị lõm. (Ảnh: NASA).

"Các vi hạt không gian di chuyển ngược hướng với kính viễn vọng, khi va vào gương có vận tốc tương đối gấp đôi và động năng gấp 4 lần. Do đó, tránh hướng khi có thể sẽ giúp kéo dài hiệu quả quang học của tấm gương trong nhiều thập kỷ", Lee Feinberg, Giám đốc đội ngũ quang học của James Webb tại NASA cho biết,

Một rủi ro lớn khác là mưa sao băng, có thể gây nguy hiểm khi James Webb đi qua các thiên thạch của sao chổi Halley vào tháng 5/2023 và tháng 5/2024. Những điều chỉnh có thể thay đổi lịch trình hoạt động của kính viễn vọng, bao gồm thứ tự quan sát vật thể, ưu tiên độ an toàn thay vì tính cấp thiết khoa học.

James Webb có mặt gương rộng 6,5m, cho phép thu thập nhiều ánh sáng từ các vật thể trong vũ trụ. Thu nhiều ánh sáng đồng nghĩa kính viễn vọng có thể quan sát càng nhiều chi tiết. Tấm gương này lớn hơn 60 lần so với những kính thiên văn trước đây

Kính viễn vọng James Webb được phóng từ tháng 12/2021 và hoạt động từ đầu tháng 7 sau khi hiệu chỉnh. Nhiệm vụ chính của James Webb là cung cấp những hình ảnh chi tiết, giúp chúng ta hiểu hơn về nguồn gốc vũ trụ, tìm ra manh mối về sự hình thành, tồn tại của con người và sự sống ngoài Trái Đất.

Cập nhật: 31/10/2024 Zing
  • 1.661