Là hành tinh nhỏ nhất Hệ Mặt trời, nhưng đã có lúc sao Thủy từng lớn bằng Trái đất

  •  
  • 1.579

Sao Thủy với kích thước chỉ bằng 1/3 Trái đất hiện là hành tinh nhỏ nhất Hệ Mặt trời, nhưng trong quá khứ, sao Thủy và địa cầu có kích thước như nhau, cho đến khi xuất hiện biến cố.

Sao Thủy, hành tinh gần Mặt trời nhất, từ lâu thu hút sự quan tâm của giới thiên văn học vì những đặc điểm như nhiệt độ dao động với biên độ cực lớn (từ -173 độ C vào ban đêm tăng lên 427 độ C vào ban ngày), bề mặt lởm chởm những hố va chạm.

Cận cảnh bề mặt sao Thủy
Cận cảnh bề mặt sao Thủy. (Ảnh: NASA).

Theo trang Interresting Engineering, việc tìm hiểu sao Thủy vấp phải nhiều thách thức. Do hành tinh này ở quá gần Mặt trời, phi thuyền thật sự cần nỗ lực khổng lồ để chống chọi sức hút từ sao trung tâm vào thời điểm đến gần sao Thủy.

Điều đó đồng nghĩa phi thuyền cần tiêu hao khối lượng nhiên liệu cực lớn để tránh được kết cục bi thảm là bị kéo vào mặt trời.

Bất chấp thách thức to lớn, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã xoay xở thực hiện 2 sứ mệnh tiếp cận ở khoảng cách đủ gần để vẽ bản đồ hành tinh này.

Kết quả cho thấy trái ngược bề ngoài nhỏ bé, sao Thủy lại sở hữu phần lõi khổng lồ so với lớp manti, trong khi lớp vỏ cực mỏng.

Sao Thủy cũng có mật độ cao bất thường thorium, nguyên tố lẽ ra đã bốc hơi hết trước cái nóng khủng khiếp của hành tinh. Và cuối cùng, tương tự Trái đất, sao Thủy cũng sở hữu từ trường, có nghĩa hoạt động nội tại của sao Thủy có lẽ vô cùng giống địa cầu.

Tập hợp các thông tin trên, nhà nghiên cứu hành tinh Nicola Mari của Đại học Pavia (Ý) cùng các đồng sự tìm cách so sánh kết cấu của sao Thủy với Trái đất. Họ phát hiện hai hành tinh này rất giống nhau, có nghĩa là trong quá khứ kích cỡ của chúng có lẽ chẳng khác gì nhau.

Để giải thích cho hình dạng nhỏ bé của sao Thủy ngày nay, các nhà nghiên cứu cho rằng sao Thủy từng va chạm với một thế lực bên ngoài nào đó, dẫn đến lớp vỏ của nó bị xóa sạch và để lại tình trạng như chúng ta thấy ngày nay.

Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) và Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) vào năm 2021 phối hợp triển khai sứ mệnh BepiColombo với mục tiêu thám hiểm sao Thủy, và các chuyên gia đang chờ kết quả từ sứ mệnh này.

Cập nhật: 01/05/2024 Thanh Niên
  • 1.579