Lạm dụng rượu bia SOS! SOS! SOS!: “Thần tửu” hại xác phàm

  •  
  • 962

Chính sách phòng ngừa lạm dụng rượu bia: quá thiếu, quá yếu. Đó là nhận định của báo cáo khoa học mang tên “Đánh giá tình hình lạm dụng rượu bia tại VN(năm phần chính, dài 77 trang) vừa được công bố.

Đây là dự án thành phần về chính sách y tế của Chương trình hợp tác y tế VN - Thụy Điển do Viện chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) thực hiện.

Báo cáo trên đã đưa ra các kết luận đáng chú ý sau: tốc độ sản xuất, lưu thông và sử dụng rượu bia ở VN gia tăng rất mạnh; 95,7% lượng rượu được sử dụng là nấu thủ công và các chính sách quản lý tình hình lạm dụng rượu bia gần như bị bỏ trống hoặc kém hiệu lực. Hiện VN chưa có chính sách tổng thể đối với việc phòng ngừa lạm dụng rượu bia.

Hai lĩnh vực quan trọng nhất là sản xuất, lưu thông và tiêu dùng chỉ có một vài chính sách nhưng cũng đã lạc hậu. Cụ thể là việc cấp giấy phép kinh doanh chưa có các qui định cụ thể. Việc quản lý sản xuất bị bỏ trống tới 90% sản lượng. Những qui định về cấm bán rượu cho trẻ em không có hiệu lực. Quản lý về quảng cáo mới làm tốt đối với các phương tiện thông tin đại chúng. Còn các chính sách tác động đến người sử dụng như công chức không được uống trong giờ làm việc, hay đo nồng độ cồn người tham gia giao thông gần như không có hiệu quả.

Theo hướng dẫn của một cán bộ Huyện đoàn Củ Chi (TP.HCM), tôi tìm về xã An Nhơn Tây, nơi đang trên đà đô thị hóa và được qui hoạch là thảo cầm viên trong tương lai. Dạo một vòng quanh xã, cùng với phố xá phát triển, các quán nhậu cũng đua nhau mọc lên rầm rộ.

Hội người... run

Tờ mờ sáng, Tư Khang ôm củi ra sân phơi chuẩn bị cho vợ hấp nồi bánh bò. Nhưng đi chưa được vài bước thì tay chân run lẩy bẩy, mớ củi rớt phịch xuống đất văng tung tóe. Anh khom người lượm từng khúc củi trong lúc cái miệng ngáp ngắn ngáp dài. Rồi anh đứng lên vô nhà, cũng với cái dáng vừa đi vừa run. Từ ngoài sân nhìn vô, tôi cứ nghĩ anh bị di chứng sau tai biến não và cũng có thể ghiền... xì ke.

1,3 tỉ

Với 1,3 tỉ lít bia và hơn 300 triệu lít rượu tiêu thụ hằng năm, chi phí cho rượu bia ở VN mất hàng trăm ngàn tỉ đồng, chiếm một phần đáng kể trong GDP. Ở tỉnh Bạc Liêu, chi phí cho mặt hàng bia mất khoảng 51 tỉ đồng/năm. Đó là chưa kể phí tổn điều trị các bệnh và tai nạn giao thông do lạm dụng rượu bia gây ra.

6%

Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nguyên nhân gây tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia chiếm 6% tổng số vụ. Tại Bạc Liêu, trong 10 tháng đầu 2005 có 30 vụ tai nạn giao thông do người sử dụng phương tiện lạm dụng rượu bia, chiếm 24,5% số vụ tai nạn giao thông trong toàn tỉnh, làm chết sáu người, bị thương 36 người. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, số vụ tai nạn giao thông do rượu bia chiếm 8% tổng số vụ. Tỉ lệ tham gia giao thông có sử dụng rượu bia nhiều nhất vẫn thuộc về người điều khiển xe máy.

42,3%

Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Củ Chi (TP.HCM), sáu tháng đầu năm 2005 có 2.946 bệnh nhân vào cấp cứu do tai nạn giao thông. Và trong 324 bệnh nhân chấn thương sọ não do tai nạn giao thông, có đến 137 bệnh nhân dính đến bia rượu (chiếm 42,3%).

Chưa đầy năm phút sau lại thấy anh lò dò từ trong nhà đi ra. Lần này thì không thấy củi mà là... chai rượu đế cặp bên nách. Anh mở nút chai tu một ngụm. Rồi ngụm thứ hai, thứ ba... Bỗng chốc người anh tươi tỉnh, hoạt bát hẳn lên như cây héo được tưới nước. Trong một loáng anh đã phơi củi xong. Lạ một điều là lúc này không thấy tay chân anh run rẩy nữa. Tư Khang tâm sự: “Thú thiệt với ông chớ tui sáng mở mắt ra là phải làm vài ngụm rượu đế mới làm công chuyện được. Nếu không tay chân nó cứ run lẩy bẩy hổng chịu nổi”.

Ở cái xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi, TP.HCM) này nói tới Tư Khang không ai không biết mặt. Nhà nghèo, ba con, vợ ngày nào cũng hấp nồi bánh bò đội ra chợ bán kiếm gạo qua ngày. Kiếm gạo đã khó, kiếm rượu càng khó hơn. Vậy mà bữa nào anh cũng kiếm được đều đặn hai ba xị. Anh lý luận: “Rượu cũng từ gạo mà ra. Tui uống rượu thì không ăn cơm, bù qua sớt lại đâu mất mát gì”.

Bạn rượu của Tư Khang cũng không thiếu. Những Năm Tý, Ba Bửu, Chín Nổ, Tư Thừa, Sáu Chơn... dân ấp Chợ Cũ này thảy đều chạy mặt. Có người còn nói “thấy bóng dáng mấy chả là con nít sợ hết hồn”. Lý do là ai cũng mắt sâu má hóp, người rút lại như con mắm, tay chân run rẩy, miệng lúc nào cũng nồng nặc mùi rượu. Tuổi đời của họ chừng băm mấy nhưng trông già khọm như U50. Cứ mỗi sáng sớm, sau khi uống cà phê đen lót dạ, họ rủ rê nhau “làm một xị”. Mồi màng không cần ngon, chỉ cần “bén” là được. Thường thì cóc ổi, con khô là đủ cho một “độ”. Đặc biệt, trong nhóm có anh Sơn mới 35 tuổi nhưng cái nết nhậu của anh cả xóm đều kinh dị.

Cứ mỗi buổi chiều, Sơn lò mò đi qua các quán nhậu đông đúc. Tới bàn nào Sơn cũng tấp vô hỏi “ai kêu tui đó?” rồi không đợi trả lời, cũng chẳng cần quen biết, anh “tự nhiên như ruồi” bưng ly rượu nốc cái “trót” ngon lành. Cứ mỗi bàn Sơn “lỳ một lam” (làm một ly) cho tới khi giáp quán. Sau đó anh lại lò mò qua quán khác, cũng uống cho tới lúc... giáp hết các bàn.

Bữa nào Sơn cũng đi một vòng các quán rồi mới chịu về ngủ. Mà ở ấp Chợ Cũ này có không dưới 20 quán nhậu lớn nhỏ. Dì Năm Xe, chủ quán cháo vịt ở ngay ngã tư, cho biết: “Thằng Sơn nó hơi tưng tửng chớ nếu không mấy bạn nhậu bầu nó làm chủ tịch hội người run xóm này rồi. Còn nói “thiên hạ đệ nhất tửu” thì mấy ông trong hội người run này rất đáng mặt anh hào, bởi mỗi ngày mấy cha này uống rượu còn nhiều hơn người ta uống nước lã”.

Xơ gan thần chưởng

Dân nhậu thường kháo nhau “trên đời này có cái mả nào đề tên thằng cha đó chết vì rượu đâu!”. Và vì vậy anh em cứ mặc sức nhậu. Nhưng người dân xã An Nhơn Tây này đã đúc kết có lắm người chết vì rượu rồi đó. Chú Chín Dân, một cựu chiến binh đã về hưu, cho biết: “Ở ấp Bến Mương kế bên có hai anh em thuộc hàng cao thủ trong “tửu lâm”. Người anh tên Thiệp, còn em là Thức. Họ được bà con đặt cho biệt danh “xơ gan thần chưởng”.

Từ nhiều năm qua, cứ sáng mở mắt ra là hai cha gầy sòng nhậu. Bữa nào có đám giỗ hoặc cưới thì quắc cần câu tới tối. Riết rồi thân hình hai chả teo quắt, tay chân suông đuột. Chỉ được có cái bụng, nhưng nó bự chớ không mập. Mỗi lần vạch bụng ra là thấy nó tròn tròn, da mỏng tanh như bong bóng, đặc biệt là nước da vàng khè. Năm ngoái người ta thấy người em thường hay lui tới bệnh viện miễn phí nằm trong khu vực xã để trị bệnh. Nghe nói chả bị xơ gan.

Được vài tháng thì thấy vợ con vô chở xác về chôn. Ba tháng sau tới lượt người anh cũng vô bệnh viện. Rồi cũng chưa “qua hết con trăng”, ông anh cũng theo em về miền đất lạ. Đặc biệt, ông này còn được bà con đặt thêm biệt danh “cửu âm chân... teo” vì khi chết, hai chân chả teo quắt còn chút xíu”.

Mấy bà phụ nữ kháo nhau “rõ ràng là chết vì rượu, tấm gương sờ sờ trước mặt”. Sau đó, mấy bà vợ thường đem câu chuyện trên về hăm he ông nhà mình. Chẳng biết có épphê gì không nhưng xem ra nói như “nước đổ lá môn”.

Thậm chí có ông còn ngụy biện: “Có thần men trong người giống như có kháng thể. Con vi khuẩn nào vô là bị thần men diệt hết. Chưa kể nó còn có tác dụng dĩ độc trị độc. Làm sao bệnh được”. Dĩ độc trị độc đâu không thấy, chỉ thấy ngoài “xơ gan thần chưởng”, “cửu âm chân teo” còn có món “thổ huyết phục linh” đầy kịch tính.

Bà con ấp Bàu Đưng thường nhắc đến một cao thủ có tên Trọng Hữu như là nhân vật xưa nay hiếm. Mỗi lần gặp bạn bè, chẳng cần biết thân hay sơ, Hữu thường nói câu cửa miệng “tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu” và uống tới sáng. Một bữa nhậu nọ, được chừng hai tuần rượu thì bỗng nhiên Hữu ôm ngực ho sặc sụa. Các bạn nhậu tỏ vẻ ngạc nhiên vì chưa từng thấy ổng “chạy độ” bao giờ.

Chưa kịp định thần đã thấy Hữu “ụa” một tiếng thật lớn rồi thì nôn thốc nôn tháo một hỗn hợp vừa thức ăn vừa... máu. Hoảng hồn, cả bàn tiệc hè nhau đưa Hữu vô bệnh viện. Bác sĩ nói “xuất huyết dạ dày”. Hữu nằm viện, vô nước biển, thuốc men cả tháng trời mới ra. Vậy mà ba bữa sau đã thấy ổng gầy sòng nhậu tiếp. Tội nghiệp cho chị Năm, vợ Hữu, than vắn thở dài: “Trong vòng chưa đầy hai năm, ổng vô bệnh viện bốn lần vì xuất huyết dạ dày. Vậy mà hổng tởn (chị lắc đầu), bó tay!”.

Những “đồng tửu” của Hữu cũng không hiếm người đã từng bị xuất huyết như vậy. Anh Ba Rọi làm nghề giữ vườn ở ấp Chợ Cũ đã từng hai lần vô bệnh viện; anh Minh thợ hồ cũng bốn lần truyền nước biển; và lúc về nhà cũng “vũ như cẫn”.

Bi kịch gia đình

Những ông chồng nhậu be bét nói trên thường khó có một gia đình hạnh phúc. Như “thần tửu” Thức chẳng hạn. Anh cũng có một vợ hai con đàng hoàng, nhưng chị không chịu nổi cảnh say xỉn tối ngày của anh nên lẳng lặng ôm con bỏ đi. Tới lúc nghe tin anh chết mới đưa con về chịu tang, gọi là “nghĩa tử nghĩa tận”. Thiệp cũng vậy. Hai vợ chồng phải ly dị. Sau khi anh mất chị cũng bóng chim tăm cá. Trọng Hữu thì bi đát nhất.

Anh hiện nay “chưa thấy gì” nhưng chị Năm chịu hết xiết đã dẫn con đi xứ khác làm ăn hồi đầu năm. Anh ở nhà thui thủi một mình. Lâu lâu chị mới về thăm để “coi ổng... còn sống không”. Còn Minh thợ hồ trước đây làm ăn khấm khá, kiếm được mỗi tháng cũng 1,5 triệu đồng; chị vợ đi lao động ở nước ngoài gửi tiền về cất được cái nhà. Từ khi anh nhậu nhẹt, nhà cửa bỏ bê không ai coi bị xuống cấp trầm trọng. Chị trở về giận quá chia tay luôn.

Ở xã Tân Thông Hội, bà con vẫn còn nhớ như in câu chuyện thương tâm: anh T.V.Đ đi nhậu về khuya bị vợ cằn nhằn. Anh nổi nóng xách cây rượt chị chạy, đứa con nhỏ thấy vậy chạy theo mẹ. Anh vung cây đánh chị lại trúng nhằm đứa con. Cháu bị chấn thương sọ não chết trên đường đi cấp cứu. Anh phải vô tù, còn chị bây giờ như điên như dại.

Không chỉ hại mình, “thần tửu” còn hại người. Tháng 6-2006, trên tỉnh lộ 7 thuộc địa phận xã Phước Thạnh, hai đệ tử lưu linh tuổi chừng 18-20 sau khi nhậu quắc cần câu đã phóng lên xe gắn máy làm một cuộc “đua tử thần”. Tới lúc cao điểm thì hai thần tửu đâm sầm vào một cô gái đi trong lề. Cô bị chấn thương sọ não, đến nay vẫn còn sống nhưng là cuộc sống thực vật. Nghe nói trước đó chồng cô cũng vừa mất vì một tai nạn giao thông.

Chị Tư Hồng, người bán vé số thường xuyên đi lại tuyến tỉnh lộ 7 này, cho biết: “Chuyện xe đụng ở đây xảy ra như cơm bữa. Hầu như 10 vụ thì hết tám là có nguyên nhân say xỉn. Tui đi đường thấy tai nạn riết hết dám đi luôn. Đi xe đạp cũng dính mà đi bộ cũng chẳng yên. Mấy cha xỉn đâu có mắt. Chẳng khác nào bị đạn lạc hồi chiến tranh vậy”.

Chiều An Nhơn Tây trời mưa rỉ rả. Chúng tôi thả một vòng quanh các quán nhậu. Anh Trần Văn Việt, một người chạy xe ôm ở địa phương, đưa ra lời nhận xét: “Ba năm trước đây, quán nhậu lèo tèo đếm trên đầu ngón tay. Nay đô thị phát triển nó mọc lên khá nhiều. Dân trong vùng được đền bù đất có chút tiền trong tay chưa biết làm gì, ngứa ngáy nên cũng nhậu lai rai. Lúc đầu là rượu đế bình dân, sau theo phong trào tăng “đô” cũng bia bọt cho ra vẻ. Các quán nhậu theo đà nâng chất phục vụ, đặc sản món gì cũng có, thậm chí “gác tay” cũng có luôn”.

LAN ANH - QUANG THIỆN - DƯƠNG THẾ HÙNG

Theo Tuổi trẻ
  • 962