Làm sạch nước bằng hoa

  •  
  • 2.184

Trên những mặt hồ có nguồn nước bị ô nhiễm sẽ rực rỡ sắc màu các loài hoa, vừa mang lại cảnh quan tươi đẹp lại có khả năng làm trong sạch nguồn nước. Đó là ý tưởng từ đề tài “Vườn hoa lọc nước trên hồ B52” được trao giải Nhì trong cuộc thi Phát minh xanh Sony.

Nhóm sinh viên đến từ ĐHKHTN (ĐHQG Hà Nội) đã thuyết phục được Hội đồng giám khảo dựa trên khả năng ứng dụng cao của đề tài.

Ngọc Anh (thứ 3 từ trái qua) và các thành viên trong nhóm nghiên cứu nhận giải Nhì cuộc thi Phát minh xanh (Ảnh: TP)

Hồ B52 (phường Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) là hồ di tích với phần đuôi của chiếc B52 còn nhô lên từ dưới lòng hồ ghi dấu ấn lịch sử của trận Điện Biên Phủ trên không năm xưa.

Tuy nhiên, những năm gần đây, nước hồ bị ô nhiễm trầm trọng do nước thải sinh hoạt đổ vào, rác dồn cả vào gầm máy bay, xác cá nổi khắp hồ khiến cảnh quan di tích bị xuống cấp trầm trọng. Sống gần đó, ngày ngày phải ngửi đủ mùi khó chịu từ hồ, nhất là vào những ngày hè oi nồng, Ngọc Anh - cô sinh viên năm cuối khoa Môi trường ĐHKHTN luôn bức xúc về một giải pháp xử lý vấn đề ô nhiễm cho hồ.

Tuy nhiên, cái khó là làm sao xử lý nước hồ nhưng cũng phải giữ được cảnh quan tự nhiên. Có lần tình cờ Ngọc Anh đọc được bài báo viết về cách trồng những loài cây thủy sinh có khả năng lọc nước nhiễm bẩn ở Trung Quốc của GS Nguyễn Lân Dũng, ý tưởng về một giải pháp cho hồ B52 đã hình thành.

Đề tài được nhóm bạn cùng lớp hưởng ứng hình thành nên nhóm nghiên cứu gồm: Ngọc Anh, Mỹ Hạnh, Đức Hiếu, Bạch Yến, Minh Ngọ, Đinh Văn Huy.

Lọc nước bằng… hoa

Suốt những ngày hè năm ngoái, người dân ở khu vực hồ B52 thường xuyên thấy một nhóm thanh niên đến xem xét ghi chép. Tiếp đó, nhóm nghiên cứu phải lấy nước hồ về để làm thí nghiệm, phân tích chỉ tiêu ô nhiễm.

Nhà của Ngọc Anh trở thành địa điểm nghiên cứu cho cả nhóm. Nhóm đi mua hoá chất, nhờ vả hết những nơi quen biết để làm các thí nghiệm, từ phòng thí nghiệm ở trường rồi đến Viện Thủy sản ở Bắc Ninh. Các kết quả đều cho thấy nước hồ bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Bè hoa thí nghiệm trên Hồ Tây (Hà Nội) - (Ảnh: TP)

Sau đó là công đoạn mua xốp trồng hoa thử nghiệm; kết bè chai nhựa trồng hoa rồi thả vào những thùng xốp chứa nước hồ ô nhiễm để thử khả năng thích nghi của cây trồng. Vấn đề nan giải nhất mà các thành viên mải tranh luận nảy lửa đến quên cả ăn là về việc làm sao gắn các chai nhựa phế liệu lại với nhau thành bè nổi được trên mặt nước.

Sau thất bại dùng keo để gắn, nhóm dùng ốc vít nhưng cách này lại gây rỉ sét. Phương án tối ưu là liên kết bằng dây nhựa. Trưởng nhóm Ngọc Anh cho biết: Công trình này ưu việt hơn so với mô hình tương tự ở Trung Quốc. Bè hoa làm bằng chai nhựa phế liệu vừa tận dụng khả năng tái chế lại có màu trong nên có tính thẫm mỹ cao hơn là bè bằng xốp trắng dễ bám cặn.

Chắt lọc từ hàng chục giống hoa Ngọc Hà, 3 loại cây là loa kèn, thủy trúc, rong diềng được nhóm nghiên cứu lựa chọn do có khả năng sống cao, có thể trồng thủy canh. Để chuyển cây từ môi trường đất sang môi trường nước, cả nhóm phải mất rất nhiều công sức chăm sóc cây trồng qua nhiều giai đoạn.

Giúp cây có thể thích nghi trong môi trường mới, cây phải được trồng trong nước hồ qua nhiều lần pha loãng. Khi những bè cây vẫn xanh tươi trong nước hồ, qua trực quan nước trong lên trông thấy. Phân tích cho thấy các chỉ tiêu ô nhiễm trong nước đã giảm rõ rệt. Đem bè hoa thả thí nghiệm trên hồ Tây, những gương mặt trẻ bừng lên khi cây sống mạnh khỏe trong điều kiện nước hồ ô nhiễm nặng.

Kế hoạch của nhóm là tiếp tục nghiên cứu đề tài nhằm tìm những giải pháp tốt hơn, tìm thêm nhiều loài hoa đẹp hơn, phong phú hơn. Các nhà nghiên cứu trẻ mong muốn khi ra trường sẽ có điều kiện đưa đề tài ứng dụng vào thực tiễn để những cây hoa không chỉ nở trên hồ B52 mà còn rực rỡ ở những hồ nước ô nhiễm.

Hồng Anh

Theo Tiền phong
  • 2.184