Lần đầu tiên phát hiện loài "ong" sống dưới đại dương

  •  
  • 6.053

Lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà nghiên cứu đã tìm được bằng chứng về các loài thụ phấn của hệ sinh thái dưới nước và chúng thực hiện công việc giống như loài ong trên mặt đất.

Cũng giống như những người anh em trên mặt đất, cỏ biển cũng tạo phấn hoa để sinh sản và duy trì nòi giống. Cho đến nay, các nhà sinh học cho rằng các thực vật biển dựa vào các luồng nước để lan truyền gene của chúng đi xa và rộng. Nhưng phát hiện mới đây về một loài thụ phấn dưới nước đã thay đổi suy nghĩ đó.

Đại dương cũng có những chú "Ong" cần mẫn.
Đại dương cũng có những chú "Ong" cần mẫn.

Qua giai đoạn nghiên cứu từ 2009 đến 2012, nhóm khoa học đến từ trường đại học quốc gia Autonomous, Mehico đã quay được hoạt động về đêm của một loài động vật giáp xác trong khu vực cỏ biển đang thụ phấn, loài cỏ biển này có tên khoa học là Thalassia testudinum.

Qua đoạn video này nhóm xác định số lượng động vật giáp xác tiếp cận với những khóm hoa có phấn nhiều hơn rất nhiều so với những cây ít hoặc không có phấn giống như đặc tính của loài ong trên mặt đất.

"Chúng tôi quan sát tất cả những động vật tụ tập đến và thấy một vài trong số chúng mang phấn hoa đi" – trưởng nhóm nghiên cứu Brigitta van Tussenbroek cho biết.

Khái niệm này là cực kỳ mới mẻ và nhóm đã đặt một tên mới để miêu tả, đó là "zoobenthophilous pollination". Trước đây chưa một ai đặt vấn đề về việc động vật tham gia vào quá trình thụ phấn của thực vật biển.

Cỏ biển Thalassia testudinum hay còn gọi là Cỏ Rùa.
Cỏ biển Thalassia testudinum hay còn gọi là Cỏ Rùa.

Các động vật giáp xác này thật sự thụ phấn hay chỉ tìm thức ăn? Để trả lời câu hỏi đó nhóm đã đưa một ít cá thể giáp xác vào một bể nhân tạo đầy cỏ biển.

Trong ít phút, phấn hoa đã xuất hiện ở các hoa cái cần thụ phấn, so với ở bể đối chứng không có động vật giáp xác được thêm vào thì hiện tượng này không xảy ra. Kết luận được đưa ra là rất rõ ràng, những cá thể giáp xác đã mang phấn hoa từ nơi này đến nơi khác giúp quá trình thụ phấn diễn ra dễ dàng, trong tự nhiên chúng ta vẫn cho rằng các dòng hải lưu đã thực hiện điều này.

Hiện tượng xảy ra có thể do các động vật giáp xác bị thu hút bởi thức ăn trong khu vực hoa của cỏ biển và vô tình mang phấn hoa từ hoa đực đến hoa cái khi mà phấn hoa bám dính lên cơ thể chúng tương tự như loài ong thụ phấn cho hoa trong quá trình tìm mật.

Hiện tại nhóm chỉ chứng minh được mối quan hệ giữa cỏ rùa, loài có hoa lớn với các động vật giáp xác trong quá trình thụ phấn ngoài ra thì hơn 60 loài cỏ biển khác có cơ chế thụ phấn tương tự hay không thì vẫn chưa có bằng chứng cụ thể.

Kelly Darnell thuộc tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận "Viện khoa học nước vùng vịnh Mehico" đã chia sẻ với New Scientist:

"Quá trình thụ phấn có sự tham gia của động vật đã nâng độ phức tạp của hệ sinh thái biển lên một tầm cao mới, mối quan hệ thú vị giữa động vật và thực vật chưa hề được nghiên cứu trước đây", Kelly Darnell cho biết.

Những loài giáp xác nhỏ đóng vai là loài đi thụ phấn dưới biển.
Những loài giáp xác nhỏ đóng vai là loài đi thụ phấn dưới biển.

Đóng góp của những cánh đồng cỏ biển vào hệ sinh thái là không thể bàn cãi. Không chỉ hỗ trợ, tạo môi trường sống lý tưởng cho các loài động vật lớn nhỏ mà còn là những mỏ neo bảo bệ đường bờ biển khỏi xâm thực xói mòn.

Lượng carbon của một hecta cỏ biển tương đương với 2 hecta rừng nhiệt đới chứng tỏ khả năng tuyệt vời của cỏ biển để trở thành nguồn carbon xanh trong tương lai gần. Nhưng thật không may hệ sinh thái xanh bị ẩn dưới những con sóng gần bờ này thường bị bỏ qua và không được bảo vệ đúng cách. Hiểu rõ hơn về hệ động thực vật và mối quan hệ của chúng trong quần thể sẽ giúp chúng ta có biện pháp khai thác và bảo vệ hiệu quả hơn.

Nghiên cứu mới được công bố và xuất bản trên tạp chí Nature Communications.

Cập nhật: 07/12/2016 Theo khampha
  • 6.053