Lần đầu tiên trong lịch sử, nhóm bác sĩ Trung Quốc tuyên bố tìm ra cách "chữa khỏi bệnh tiểu đường"

  •  
  • 367

Các bác sĩ Trung Quốc mang tới tia hi vọng cho những bệnh nhân đang chiến đấu với bệnh tiểu đường bằng liệu pháp tế bào.

Bệnh nhân thử nghiệm là một người đàn ông 59 tuổi, mắc bệnh tiểu đường loại 2 trong 25 năm, có nguy cơ bị biến chứng nghiêm trọng do căn bệnh này. Ông đã được ghép thận vào năm 2017, nhưng đã mất hầu hết chức năng đảo tụy giúp kiểm soát lượng đường trong máu và phải tiêm insulin nhiều lần mỗi ngày.

Yin Hao, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Bệnh viện Changzheng Thượng Hải, nói với hãng tin The Paper có trụ sở tại Thượng Hải hồi đầu tháng này: "Ông ấy có nguy cơ cao bị biến chứng tiểu đường nghiêm trọng".

Bệnh viện Changzheng
Bệnh viện Changzheng Thượng Hải, cùng với các cơ sở khác, đã nghiên cứu phương pháp điều trị bệnh tiểu đường mang tính đột phá.

Tháng 7/2021, người bệnh đồng ý tham gia chương trình thử nghiệm cấy tế bào cải tiến. 11 tuần sau khi cấy ghép, ông không cần tiêm insulin và có thể giảm liều thuốc kiểm soát lượng đường trong máu. Một năm sau đó, ông ngừng thuốc hoàn toàn.

"Các cuộc kiểm tra tiếp theo của chúng tôi cho thấy chức năng đảo tụy của bệnh nhân đã được phục hồi hiệu quả. Bệnh nhân cai insulin hoàn toàn được 33 tháng", bác sĩ Yin cho biết.

Bước đột phá y học lần đầu tiên trên thế giới đạt được nhờ một nhóm bác sĩ và nhà nghiên cứu từ các tổ chức bao gồm Bệnh viện Changzheng Thượng Hải, Trung tâm Xuất sắc về Khoa học Tế bào Phân tử thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Bệnh viện Renji, tất cả đều có trụ sở tại Thượng Hải, đã được công bố trên tạp chí Cell Discovery vào ngày 30/4.

Timothy Kieffer, giáo sư tại Khoa Khoa học Sinh lý và Tế bào tại Đại học British Columbia ở Canada, cho biết: "Tôi nghĩ nghiên cứu này thể hiện một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực trị liệu tế bào cho bệnh tiểu đường".

Tiểu đường là một tình trạng mãn tính ảnh hưởng đến cách cơ thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Thức ăn đi vào cơ thể sẽ được phân hủy thành glucose – một loại đường đơn và đưa vào máu. Các đảo tụy nhỏ sẽ sản xuất ra insulin để điều chỉnh lượng đường trong máu. Ở bệnh nhân tiểu đường, hệ thống này bị tổn hại. Cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không sử dụng lượng insulin đã sản xuất một cách hiệu quả.

Tiểu đường type 2 là dạng phổ biến nhất, ảnh hưởng đến gần 90% số người bệnh. Nó phát triển theo thời gian, phần lớn liên quan đến chế độ ăn uống. Với bất kể dạng tiểu đường nào, việc không thể duy trì lượng đường huyết bình thường sẽ dẫn đến tác dụng phụ nghiêm trọng, gồm bệnh tim, giảm thị lực và bệnh thận.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, hiện thế giới chưa có cách điều trị dứt điểm tiểu đường. Bên cạnh giảm cân, ăn uống lành mạnh và dùng thuốc, insulin là phương pháp điều trị chính cho người bệnh. Họ phải tiêm thuốc và theo dõi thường xuyên.

Trung Quốc có 140 triệu người mắc bệnh tiểu đường.
Trung Quốc có 140 triệu người mắc bệnh tiểu đường.

Các nhà khoa học trên thế giới đang nghiên cứu cấy ghép đảo nhỏ như một giải pháp thay thế đầy hứa hẹn. Cơ chế là tạo ra các tế bào giống đảo nhỏ từ nuôi cấy tế bào gốc của con người. Giờ đây, sau hơn một thập kỷ làm việc, nhóm các bác sĩ Trung Quốc đã tiến một bước gần hơn đến phương pháp này. Sắp tới, họ sẽ tuyển thêm nhiều tình nguyện viên để mở rộng nghiên cứu.

Yin cho biết, các nhà khoa học đã sử dụng và lập trình các tế bào đơn nhân máu ngoại vi của chính bệnh nhân, sau đó chuyển chúng thành "tế bào hạt giống" và tái tạo mô đảo tụy trong môi trường nhân tạo. Ông nhận định nghiên cứu là bước tiến trong lĩnh vực y học tái tạo tương đối mới. Trong đó, các bác sĩ sẽ khai thác triệt để khả năng tự chữa lành của cơ thể để điều trị bệnh tật.

Trên toàn cầu, Trung Quốc có số người mắc bệnh tiểu đường cao nhất. Theo Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế, cả nước có 140 triệu người mắc bệnh tiểu đường. Trong số đó, khoảng 40 triệu người phụ thuộc vào việc tiêm insulin suốt đời.

Cập nhật: 31/05/2024 ĐSPL
  • 367