Thay vì phải nhập 100% vắc xin lở mồm long móng cho gia súc nay Việt Nam chủ động sản xuất trong nước và bán ra thị trường.
Vắc xin lở mồm long móng chiếm tỷ trọng cao nhất trong các loại vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi tại Việt Nam. Theo thống kê trung bình 5 năm trở lại đây, hàng năm Việt Nam phải nhập khoảng 25 triệu liều. Tuy nhiên, với tổng đàn gia súc của ngành chăn nuôi cần tối thiểu 75-80 triệu liều.
Tổ chức Thú y thế giới xếp bệnh lở mồm long móng nguy hiểm thứ nhất trong gần 120 bệnh ở động vật cần cảnh báo toàn cầu, bởi bệnh lây lan nhanh, ở phạm vi rộng, thường phát thành dịch lớn, gây thiệt hại lớn đến cả ngành chăn nuôi, cho kinh tế, xã hội và môi trường. Trong khi đó nguồn cung hạn chế, Việt Nam không chủ động trong việc cung ứng vắc xin vì giá cao nên tỷ lệ tiêm phòng chưa đạt được mục tiêu, dẫn đến năm nào dịch lở mồm long móng cũng diễn ra khắp cả nước.
Không chỉ có vậy, với vắc xin nhập ngoại, các chủng virus không được phân lập tuyển chọn từ các ổ dịch tại Việt Nam nên tỷ lệ tương đồng kháng nguyên không cao, không phù hợp với điều kiện dịch tễ ở Việt Nam, dẫn đến mức độ bảo hộ khiêm tốn.
Cán bộ Công ty AVAC/RTD vận hành thiết bị sản xuất vắc xin lở mồm long móng.
Trước thực trạng này Công ty RTD đề xuất nghiên cứu, sản xuất được vắc xin lở mồm long móng và được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt dự án thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.
TS Cao Văn Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty RTD cho biết, bắt đầu thực hiện dự án từ năm 2014, nhóm nghiên cứu đã thực hiện thu thập mẫu bệnh phẩm, phân lập và tuyển chọn được bộ chủng giống virus lở mồm long móng type O, A và Asia-1 phục vụ cho công tác nghiên cứu, sản xuất vắc xin quy mô phòng thí nghiệm và quy mô công nghiệp để thương mại hóa sản phẩm.
Công ty cũng xây dựng được các quy trình phân lập, tuyển chọn chủng giống virus, quy trình nhân giống và bảo quản chủng giống virus. Quy trình nghiên cứu sản xuất vắc xin lở mồm long móng type O quy mô phòng thí nghiệm đã hoàn thiện tiến tới sản xuất quy mô công nghiệp, thương mại hóa sản phẩm.
Việt Nam đang nhập khẩu 100% vắc xin lở mồm long móng vì vậy, việc thực hiện thành công dự án và thương mại hóa sản phẩm của công ty RTD đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam sản xuất thành công, đưa vào thương mại hóa vắc xin lở mồm long móng. Từ nay ngành chăn nuôi sẽ chủ động hơn trong công tác phòng chống dịch, tăng tỷ lệ tiêm phòng lở mồm long móng cho đàn gia súc, tiết kiệm được ngoại tệ.
Ông Hùng cho biết với nghiên cứu này, lần đầu tiên Việt Nam làm chủ được quy trình phân lập, tuyển chọn chủng giống virus lở mồm long móng để sản xuất vắc xin.Thông qua nghiên cứu, nhân sự của công ty cũng được nâng cao năng lực nắm bắt được công nghệ mới trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất vắc xin và chế phẩm sinh học dùng trong thú y.
Công đoạn đóng chai vắc xin. (Ảnh: NVCC).
Để có kết quả này, ông Hùng cho biết, nhóm nghiên cứu không chỉ nhận được đầu tư kinh phí, Văn phòng Chương trình quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ còn hỗ trợ nhiều khâu trong quá trình thực hiện để đề tài triển khai hiệu quả.
Ông Hùng tự tin về khả năng ứng dụng kết quả nghiên cứu trên vào thực tiễn và hy vọng sản phẩm sẽ góp phần cải thiện tình trạng dịch lở mồm long móng hàng năm tại Việt Nam.
Mới đây Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cấp giấy chứng nhận cho phép lưu hành vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng AVAC-V6 FMD Emulsion type O ra thị trường.
Đây là lần đầu tiên, một giống virus nội địa để sản xuất vắc xin lở mồm long móng được công nhận, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn hiện hành của Việt Nam và khuyến cáo của tổ chức Thú y thế giới.
Hiện nay, thế giới có 7 typ virus lở mồm long móng đang lưu hành, trong đó có khoảng 76 typ phụ. Để phòng bệnh, sử dụng vắc xin là giải pháp hiệu quả nhất. Ở Việt Nam, bệnh lở mồm long móng xuất hiện cách đây 100 năm và hiện đã có 3 typ virus lưu hành là typ O, A và Asia1. |