Liên hợp quốc ngày 13/2 khẳng định tình trạng đất bạc màu và số lượng lò phản ứng hạt nhân hết hạn hoạt động đang tăng lên là những vấn đề môi trường cấp thiết nhất hiện nay.
Niên giám 2012 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho thấy, trong 25 năm qua, khả năng sản xuất của 24% diện tích đất toàn cầu đã giảm do việc sử dụng đất không bền vững.
Một số hoạt động nông nghiệp tập trung đã gây ra tình trạng xói mòn đất nhanh gấp 100 lần so với tốc độ tái tạo của thiên nhiên.
Niên giám 2012 của UNEP cũng cảnh báo nếu không thay đổi cách quản lý thì rừng, đất than bùn, đồng cỏ cũng như sự đa dạng sinh học sẽ tiếp tục mất đi.
Ngoài ra, xói mòn đất cũng sẽ ảnh hưởng đến sự biến đổi khí hậu vì một lượng lớn khí cácbon được lưu trữ trong đất dưới dạng các vật chất hữu cơ sẽ phát tán vào bầu khí quyển, làm trầm trọng thêm sự nóng lên toàn cầu.
Ngoài vấn đề xói mòn đất, Niên giám 2012 của UNEP còn nhấn mạnh việc ngày càng có nhiều lò phản ứng hạt nhân phải đóng cửa do đã đạt đến tuổi thọ theo thiết kế ban đầu.
Đến tháng 1/2012, có 138 lò phản ứng điện hạt nhân dân sự ngừng hoạt động tại 19 quốc gia, trong đó có 28 lò tại Mỹ, 27 lò tại Anh, 27 lò tại Đức, 12 tại Pháp, 9 tại Nhật Bản và 5 tại Liên bang Nga.
Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ đóng cửa hoàn toàn được 17 lò. Giám đốc điều hành UNEP, ông Achim Steiner nhận xét Niên giám 2012 hướng sự chú ý vào hai vấn đề đang nổi lên, nhấn mạnh những thách thức nhưng cũng đưa ra những lựa chọn cho các quốc gia xem xét để có một thế kỷ 21 bền vững - khẩn cấp cải thiện việc quản lý đất và việc đóng cửa các lò phản ứng điện hạt nhân.