Libol - từ thư viện điện tử đến thư viện số

  •  
  • 1.615

Trong thời đại CNTT đang thay thế dần các phương tiện thủ công, mọi loại hình từ quản trị một bộ máy đến cách thức tiếp nhận kiến thức của mỗi cá nhân… cũng đang dần được số hóa. Các thư viện cũng không nằm ngoài xu hướng chung này.

VnMedia thực hiện cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Huy Chương – Giám đốc TT Thông tin Thư viện ĐHQGHN, Chủ tịch Liên hiệp thư viện đại học khu vực Phía Bắc, một trong những cơ sở đào tạo đã ứng dụng CNTT lâu năm trong quản lý và khai thác thư viện (phần mềm thư viện điện tử Libol của Công ty Tinh Vân – sản phẩm vừa được VINASA trao giải thưởng Sao Khuê thứ hạng 5 sao) và đã thu được những hiệu quả tích cực đáng kể.

* Ông có thể cho biết TT Thông tin Thư viện ĐHQGHN (Thư viện ĐHQG) đã ứng dụng phần mềm thư viện Libol được bao lâu? Sự khác biệt của Thư viện ĐHQG trước và sau khi ứng dụng phần mềm Libol?

TS Nguyễn Huy Chương – Giám đốc TT Thông tin Thư viện ĐHQGHN

Thư viện ĐHQG bắt đầu sử dụng phần mềm Libol từ 2001. Về cơ bản phần mềm giải quyết được tất cả các công việc của một thư viện, khép kín đường đi của một cuốn sách từ khâu bổ sung, phân loại đến khâu mượn trả. Toàn bộ hoạt động của Trung tâm đã được tiến hành thông qua hệ thống mạng. Đảm bảo hợp lý, khoa học, chính xác và tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí. So với các phần mềm quản trị thư viện trước kia, Libol thể hiện nhiều ưu điểm vượt trội.

* Một thư viện thường lưu trữ khối lượng sách báo, tài liệu khổng lồ. Vậy Libol cho phép một thư viện lưu trữ khối lượng tài liệu ở mức độ nào?

Libol cho phép lưu trữ tới 1 triệu bản ghi. Hiện tại thì thư viện chúng tôi đang làm việc với khoảng trên 100.000 biểu ghi và trong tương lai sẽ cập nhật khối lượng dữ liệu lớn.

* Thư viện ĐHQG có định hướng về sự hợp tác mượn liên thư viện trong nước và quốc tế? Phần mềm Libol có hỗ trợ cho thực hiện nhu cầu này?

Hiện tại Libol có phân hệ ILL có thể hỗ trợ cho việc thực hiện mượn liên thư viện. ĐHQG có định hướng và đang tích cực chuẩn bị để sẵn sàng tham gia vào chương trình hợp tác mượn liên thư viện, trước mắt là giữa các thư viện đại học Việt Nam và trong Mạng Thư viện trực tuyến các đại học quốc gia các nước Đông Nam Á (AUNILO).

* Thư viện điện tử của trường ĐHQG có đem lại lợi ích cho những người dùng trực tuyến nói chung hay chỉ phục vụ sinh viên và cán bộ của trường ĐHQG?

Chúng tôi đã đưa phân hệ tra cứu của phần mềm Libol lên website của trung tâm, bạn đọc trong và ngoài ĐHQG đều có thể truy cập và tìm kiếm thông tin thư mục, toàn văn. Địa chỉ trang web của Trung tâm www.lic.vnu.edu.vn

* Người dùng (ở góc độ tra cứu) đặc biệt thấy thích thú ở điểm gì khi khai thác thông tin tại website của TT thông tin Thư viện ĐHQG?

Có thể tìm kiếm thông tin theo nhiều tiêu chí, nhất là sử dụng được các CSDL mà Trung tâm Thông tin –Thư viện ĐHQGHN đã mua cũng như các học liệu điện tử do Trung tâm sản xuất. Ngoài các tài liệu dạng thư mục, bạn đọc còn được cung cấp nhiều tài liệu dạng toàn văn và nghe nhìn thuộc nhiều lĩnh vực có giá trị khoa học cao. Đồng thời trang web được bố trí khoa học dễ sử dụng.

* Hiện nay, xu hướng chung trên thế giới là các thư viện chuyển dần từ thư viện điện tử sang thư viện số, Thư viện ĐHQG có sự chuẩn bị như thế nào cho sự phát triển đó? Theo ông, liệu Libol có đáp ứng được nhu cầu này?

Chúng tôi đã có phương án tổ chức thu thập và sản xuất các CSDL số hóa. Trước mắt là nguồn tài liệu xám của ĐHQGHN (công trình NCKH, luận án, luận văn) và sách giáo khoa, giáo trình… nhằm hỗ trợ bạn đọc có thể tìm kiếm và khai thác hết các nguồn tài nguyên của Trung tâm thông qua mạng VNUnet.

Khối lượng dữ liệu lớn và đòi hỏi tốn nhiều thời gian và nhân lực để thực hiện. Với kết quả khả quan từ việc Libol hiện được chạy rất ổn định cộng với sự đánh giá cao của các chuyên gia, chúng tôi cho rằng Libol có thể hỗ trợ tối ưu cho việc chuyển từ thư viện điện tử sang thư viện số.

Xin cảm ơn ông!

Theo VnMedia
  • 1.615