Liên Hợp Quốc cảnh báo: Ô nhiễm làm chết nhiều người hơn cả Covid-19

  •  
  • 107

Trong bản báo cáo môi trường được công bố hôm 15-2, Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết vấn nạn ô nhiễm môi trường do chất thải của các quốc gia và doanh nghiệp đã và đang khiến nhiều người chết hơn so với đại dịch Covid-19.

Hai đứa trẻ đi bộ qua một khu vực đầy rác để thu thập vật liệu nhựa ở Bangladesh, ngày 24-1
Hai đứa trẻ đi bộ qua một khu vực đầy rác để thu thập vật liệu nhựa ở Bangladesh, ngày 24-1. (Ảnh: REUTERS)

Báo cáo cho biết ô nhiễm từ thuốc trừ sâu, nhựa và rác thải điện tử đang gây ra tình trạng vi phạm nhân quyền trên diện rộng và ít nhất 9 triệu người chết sớm mỗi năm, và vấn đề này phần lớn đang bị bỏ qua, hãng Reuters đưa tin.

Trong khi đó, theo số liệu tổng hợp của trang worldometers.info, đại dịch Covid-19 đã khiến gần 5,9 triệu người tử vong.

Một người phụ nữ nhặt những chiếc cốc nhựa dọc theo bờ sông Pasig đầy rác thải ở Manila
Một người phụ nữ nhặt những chiếc cốc nhựa dọc theo bờ sông Pasig đầy rác thải ở Manila, Philippines, ngày 10-6-2021. (Ảnh: REUTERS)

“Các cách tiếp cận hiện tại để quản lý rủi ro do ô nhiễm môi trường và các chất độc hại gây ra rõ ràng đang thất bại, dẫn đến việc quyền của người dân được sống trong một môi trường trong sạch, lành mạnh và bền vững bị ảnh hưởng” - tác giả bản báo cáo, báo cáo viên đặc biệt của LHQ, ông David Boyd kết luận.

"Tôi nghĩ rằng chúng ta có nhiệm vụ phải làm tốt hơn những gì đang xảy ra" - ông Boyd nói, kêu gọi mọi người "hành động ngay lập tức" để cấm việc sử dụng một số hóa chất độc hại.


Một khu rừng ngập mặn bị ô nhiễm dầu ở Bakana ii, Nigeria ngày 28-1. (Ảnh: REUTERS)

Theo đó, bản báo cáo kêu gọi cấm polyfluoroalkyl và perfluoroalkyl, những chất hóa học nhân tạo được sử dụng trong các sản phẩm gia dụng và có thể gây bệnh ung thư, được mệnh danh là "hóa chất tồn tại mãi mãi" vì chúng không dễ bị phân hủy.

Bản báo cáo cũng đề nghị tìm cách làm sạch các địa điểm bị ô nhiễm và nếu mọi thứ diễn biến xấu đi, phải nghĩ tới khả năng tái định cư cho những cư dân bị ảnh hưởng, nhiều người trong số họ là người nghèo và là dân bản địa.

Người dân Bangladesh đang băng qua một con đường đầy bụi do ô nhiễm không khí
Người dân Bangladesh đang băng qua một con đường đầy bụi do ô nhiễm không khí trầm trọng ở khu vực Tongi, ngày 3-2. (Ảnh: REUTERS)

Người đứng đầu người đứng đầu cơ quan nhân quyền của LHQ, bà Michelle Bachelet đã gọi các mối đe dọa về môi trường là thách thức lớn nhất của toàn cầu khi ngày càng có nhiều vụ kiện về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang kêu gọi cơ quan này có những hành động thật sự hiệu quả.

Cập nhật: 17/02/2022 Theo PLO
  • 107