Loại cá hồi lớn nhất trên Trái đất có ngà giống lợn bướu

  •  
  • 150

Loài cá hồi lớn nhất từng được phát hiện là Oncorhynchus rastrosus có thể dùng cặp răng giống ngà để cạnh tranh với tình địch, tự vệ trước động vật ăn thịt và đào tổ.

Cách đây 5 triệu năm, Oncorhynchus rastrosus, một loài cá hồi tiền sử dài tới 2,7m và nặng hơn 180kg sinh sống khắp vùng biển phía tây bắc của Bắc Mỹ. Chúng thường phục kích con mồi ở biển và sông suối trong thế Trung Tân. Chúng dài gấp gần hai lần và nặng hơn ba lần so với loài cá hồi lớn nhất thế giới hiện nay là cá hồi Chinook. O. rastrosus cũng có cặp răng trước đáng sợ, mọc chìa ra hai bên miệng giống chiếc ngà, nhưng không phải răng nanh. Các nhà nghiên cứu mô tả chi tiết cá hồi O. rastrosus trên tạp chí PLOS ONE hôm 24/4, theo Popular Science.

Mẫu vật cá hồi Oncorhynchus rastrosus với cặp răng mọc ngược.
Mẫu vật cá hồi Oncorhynchus rastrosus với cặp răng mọc ngược. (Ảnh: Đại học Oregon)

O. rastrosus được mô tả lần đầu tiên năm 1972. Khi đó, các nhà khoa học cho rằng chiếc răng lớn quá cỡ mọc ngược về sau của chúng giống răng nanh. Là thành viên lớn nhất trong họ Cá hồi, chúng thường được gọi là "cá hồi răng kiếm" do vị trí của cặp răng đặc biệt. Tuy nhiên, kết quả chụp cắt lớp vi tính một số hóa thạch O. rastrosus và phân tích trong nghiên cứu xác nhận hai chiếc răng cong dài 5 cm giống với ngà lợn bướu.

Nhóm nghiên cứu không biết chắc cặp ngà đặc trưng này dùng để làm gì, nhưng cho rằng chúng chủ yếu giúp chiến đầu với con cá hồi khác hoặc động vật ăn thịt. Đây cũng có thể là một cách để cá cái đào tổ đẻ trứng hoặc giúp cả hai loài bơi lên thượng nguồn để sinh sản. "Khi bơi lên thượng nguồn, chúng có thể móc ngà vào chỗ nào đó để nghỉ ngơi mà không tốn năng lượng, tương tự cách bạn bám vào tay vịn ở thành bể bơi", nhà cổ sinh vật học Edward Davis ở Đại học Oregon, giải thích.

Theo giáo sư chuyên về cá Brian Sidlauskas ở Đại học Oregon, cá hồi này nhiều khả năng không sử dụng chiếc răng của chúng để bắt mồi. Chúng có thể là loài lọc nước ăn sinh vật phù du. Đó có thể là một trong những lý do chúng đạt tới kích thước khổng lồ. Họ hàng của chúng là cá hồi đỏ cũng như cá voi tấm sừng và cá mập phơi đều có lược mang để lọc oxy và vi sinh vật từ nước. Theo Davis, Loài cá hồi khổng lồ này có số lược mang lớn khác thường. Kiếm ăn kiểu lọc nước bằng lược mang có thể giúp chúng phát triển do tiêu thụ nhiều sinh vật và thu được nhiều dưỡng chất hơn.

O. rastrosus cũng sống trong môi trường với nguồn nước và thức ăn hỗ trợ cơ thể lớn. Loài cá hồi khổng lồ này sống ở cuối thế Trung Tân, khi đại dương trên thế giới ấm hơn nhiều so với ngày nay. Lượng carbon dioxide trên toàn cầu cũng gần chạm ngưỡng Trái Đất sẽ trải qua vào năm 2100. Giống như cá hồi ngày nay, O. rastrosus nở trong nước ngọt, bơi ra đại dương, sau đó quay trở lại vùng nước ngọt để đẻ trứng và chết.

O. rastrosus tuyệt chủng khi Trái đất bắt đầu lạnh dần. Thay đổi khí hậu này nhiều khả năng làm mất đi nguồn tài nguyên mà cá hồi khổng lồ cần để duy trì cơ thể lớn. Trong tương lai, Davis và cộng sự lên kế hoạch phân tích kỹ hơn một số mẫu vật cá hồi O. rastrosus và khám phá cặp ngà của chúng được sử dụng như thế nào.

Cập nhật: 26/04/2024 VnExpress
  • 150