Phát hiện một chiếc đĩa ngọc 4.300 năm tuổi ở Trung Quốc

  •  
  • 1.260

Chiếc đĩa ngọc đường kính hơn 25cm có tuổi đời hơn 4.300 năm này là cổ vật lớn nhất từng được phát hiện ở thành phố Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.

Các nhà khảo cổ đã phát hiện một chiếc đĩa ngọc từ nền văn minh Lương Chử - cách đây hơn 4.300 năm - ở thành phố Hồ Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc.

Khách tham quan các cổ vật thuộc nền văn minh Lương Chử ở Bảo tàng Cung điện Bắc Kinh.
Khách tham quan các cổ vật thuộc nền văn minh Lương Chử ở Bảo tàng Cung điện Bắc Kinh. (Nguồn: globaltimes.cn).

Theo thông báo ngày 29/7 của Cơ quan phụ trách di tích văn hóa tỉnh Chiết Giang, chiếc đĩa ngọc có đường kính hơn 25cm này là cổ vật lớn nhất từng được phát hiện ở thành phố Hồ Châu.

Qua công tác giám định hiện vật, các chuyên gia thuộc Viện Di tích văn hóa và khảo cổ học tỉnh Chiết Giang xác nhận rằng chiếc đĩa ngọc này thuộc về nền văn minh Lương Chử của Trung Quốc cổ đại.

Hiện vật có lẽ đã được thực hiện vào giai đoạn cuối của nền văn minh này, tức là cách đây khoảng 4.300 đến 4.600 năm. Vào thời điểm đó, đường kính tối đa của một chiếc đĩa ngọc thường không vượt quá 24cm.

Các tàn tích Lương Chử ở tỉnh Chiết Giang đã được cả thế giới công nhận là một minh chứng rõ nét về sự tồn tại của nền văn minh Trung Quốc hơn 5.000 năm.

Hồi đầu tháng này, di chỉ khảo cổ Tàn tích của thành phố Lương Chử cũng đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa thuộc Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Trung Quốc hiện có 55 địa danh được đưa vào "bảng vàng" này.

Cập nhật: 31/07/2019 Theo TTXVN/Vietnam+
  • 1.260