Loài chuột Úc sống chết cả đời chỉ vì... sex

  •  
  • 4.165

Câu nói "chết vì tình là cái chết bất thình lình" nghe tưởng chuyện đùa. Nhưng lại là điều có thật với loài chuột có túi Dusky (không phải kangaroo) sống trên bán đảo Tasmania (Úc). Lý do vì chúng "làm việc" quá độ để duy trì nòi giống.

 Loài chuột có túi Dusky

Sex là mục tiêu tối thượng của những con chuột Dusky đực. Khi mùa kết đôi vào dịp đông bắt đầu, từng con đực sẽ tìm cách giao phối với càng nhiều con cái càng tốt. Anh chàng sẽ tìm cách ve vãn, "huýt gió" rồi "chat chít" với đối phương để đạt được mục đích sau cùng. Sau đó, kẻ mê sex lại đi tìm bạn tình mới.

Loài chuột Úc sống chết cả đời chỉ vì... sex

Tuy vậy, phong cách sinh hoạt cực độ này sẽ đoạt mạng của những con đực sau 14 giờ liên tục "vật lộn". GS. Andrew Baker thuộc ĐH Công nghệ Queensland, mô tả trong nghiên cứu về loài chuột trên bán đảo này: "Sau cùng, lượng testosterone (chạm đỉnh) sẽ gây ra một trục trặc trong cơ chế tự tắt vì bị stress hormone. Sự tăng quá mức tình trạng stress hormone sẽ khiến cho hệ miễn dịch của của con đực bị đổ sụp và chúng sẽ chết trước khi con cái có thể cho ra đời con non mới".

Điều này có nghĩa những con chuột Dusky đực thường chỉ truyền giống được một lần duy nhất trước khi lìa đời. Phong cách "sống" này được gọi là semelparity, tức sinh vật đó chỉ sinh sản một lần trước khi chết, ngược với iteroparity là sinh vật có thể sinh sản nhiều lần trong đời. Phong cách semelparity thường được thấy trên các loài vật không có xương sống, kể cả côn trùng, nhện và bạch tuộc. Tuy vậy lại rất hiếm xảy ra trên các loài có xương sống, nhất là động vật có vú.

Riêng với cộng đồng chuột Dusky, việc sử dụng testosterone "quá liều" khiến cho dân số của chúng thường bị mất đi 1/2 hàng năm do những con đực "hy sinh" trong công cuộc duy trì nòi giống. Song theo nghiên cứu của Baker, loài này đang đối diện với một rủi ro khác.

Việc khai thác rừng quá mức tại bán đảo Tasmania đang khiến cho môi trường sống tự nhiên của loài này bị thu hẹp và do đó, số lượng các cá thể loài này đang bị giảm sút. Hiện nhóm của ông đang đệ đơn thỉnh cầu lên chính quyền liên bang Úc để xem xét đưa chuột Dusky trên bán đảo này vào danh sách các loài đang bị đe doạ. Từ đó có thể khuyến khích việc bảo tồn khu vực sinh thái trên Tasmania.

Baker cho rằng: "Việc phát hiện ra những loài thú mới trên những quốc gia đã phát triển như Úc là cực kỳ hiếm và việc chúng ta tìm thấy được nhiều loài thú có túi khác cho thấy, còn rất nhiều món quà đa dạng sinh học khác đang chờ được khám phá. Nhưng sẽ là một điều đáng xấu hổ nếu ngay sau khi phát hiện chúng, chúng ta nhận ra rằng những loài thú có túi này đang bị đe doạ tuyệt chủng bởi bàn tay con người".

Có vẻ như đời sống "truỵ lạc" không phải là điều mà chuột Dusky đáng lo lắng. Thứ chúng quan tâm hơn là nơi ở và nguồn thức ăn. Và đây cũng là mối quan tâm chung của nhiều loài động vật khác, khi chúng buộc phải tìm vào những nơi con người ở để kiếm ăn, nơi mà trước khi từng là nhà của chúng.

Theo VnReview
  • 4.165