Loài giun ký sinh biến ốc sên thành "thây ma"

  •   12
  • 3.264

Giun dẹp khoang xanh ký sinh trong ốc sên, sau đó điều khiển vật chủ bò ra chỗ thoáng để thu hút các loài chim săn mồi.

Lin Ruian hôm 9/8 tình cờ bắt gặp một con ốc sên kỳ lạ trong lúc đi dạo trên sườn đồi ở huyện Chương Hóa, Đài Loan. Những cảnh quay được ghi lại cho thấy con vật có đôi mắt lồi to, trông giống như hai chiếc đèn neon nhấp nháy nhiều màu sắc.

Vòng đời giun dẹp khoang xanh.
Vòng đời giun dẹp khoang xanh. (Ảnh: Animal Diversity).

Theo các nhà sinh vật học, con ốc sên đã bị nhiễm một loài giun sán ký sinh có tên khoa học Leucochloridium paradoxum, còn được gọi là giun dẹp khoang xanh. Chúng có khả năng kiểm soát những tế bào thần kinh vận động của vật chủ, biến nạn nhân thành một "thây ma".

Giun dẹp khoang xanh xâm nhập vào hệ tiêu hóa của ốc sên ở giai đoạn ấu trùng và tiếp tục phát triển tới giai đoạn trưởng thành. Các cá thể trưởng thành sau đó tìm cách bò lên cuống mắt (xúc tu) của ốc sên và liên tục ngoe nguẩy, khiến vật chủ trông nổi bật và dễ bị phát hiện hơn.

Chưa dừng lại ở đó, loài giun ký sinh này còn kiểm soát hệ thần kinh của ốc sên, khiến chúng tự động bò lên những cành cây cao hoặc vị trí thoáng đãng để thu hút các loài chim săn mồi.

Khi chim ăn ốc sên, L. paradoxum tiếp tục ký sinh trong bụng vật chủ mới và đẻ trứng trước khi chết. Trứng giun sau đó được đưa ra ngoài theo đường chất thải của chim và nở thành ấu trùng. Ấu trùng lại tìm cách xâm nhập vào hệ tiêu hóa của ốc sên để tiếp tục vòng đời.

Cập nhật: 17/08/2019 Theo VnExpress
  • 12
  • 3.264