Loại gỗ này tồn tại từ thời khủng long.
Trong môi trường tự nhiên của những khu rừng cổ thụ, có một loại gỗ vô cùng quý hiếm, được ví như "báu vật" không chỉ bởi giá trị sử dụng mà còn bởi hương thơm độc đáo của nó. Loại gỗ này, không thể tái tạo nhân tạo, mang trong mình bí ẩn của hàng nghìn năm hình thành và phát triển.
Đó là gỗ nhai bách. Theo Kknews.cc, cây nhai bách (tên khoa học thuja sutchuenensis) là chi bao gồm các loại cây lá kim trong họ Cupressacea, thân gỗ, cành dày, lá hình vảy. Thuja sutchuenensis tiếng Latinh có nghĩa là "cây sự sống". Nhai bách thuộc họ Bách Cupressaceae là một họ thực vật hạt trần phân bổ rộng khắp thế giới. Loại cây này thường sinh trưởng chủ yếu ở các rặng núi hoặc sườn dốc ở vùng có độ cao trên 1500m so với mực nước biển.
Gỗ nhai bách là 1 loài gỗ hiếm, tồn tại từ thời đại khủng long. (Ảnh: Sohu)
Gỗ nhai bách là 1 loài gỗ hiếm, tồn tại từ thời đại khủng long. Gỗ nhai bách hiện nay chỉ tồn tại ở 4 vùng trên thế giới.
Nhai bách có nguồn gốc từ Bắc Mỹ và Đông Nam Á, là giống cây mọc tự nhiên trên những vách núi đá vôi, đã trải qua hàng trăm năm sinh trưởng gió và ánh sáng mặt trời.
Nhai bách được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1892 bởi nhà truyền giáo PG Farges người Pháp. Năm 1998, Liên minh Bảo tồn Thế giới đã liệt kê nhai bách là một trong ba loài thực vật tuyệt chủng ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, vào tháng 10 năm 1999, một nhóm nghiên cứu các loài thực vật hoang dã tại Trùng Khánh, Trung Quốc đã tái khám phá quần thể nhai bách hoang dã trong cuộc kiểm tra ở Thành Khẩu. Nghiên cứu đã tìm thấy những cây cá thể rải rác trên các vách đá và những dải đá trên núi sâu. Số lượng cây con rất khan hiếm. Các cây có thể tiếp cận hầu hết đã bị dân địa phương chặt để xây dựng nhà cửa và sản xuất các sản phẩm gia dụng khác nhau.
Nhai bách thuộc họ Bách Cupressaceae là một họ thực vật hạt trần phân bổ rộng khắp thế giới. (Ảnh: Sohu)
Trong số thứ ba của Tạp chí thực vật vào năm 2000, bài báo công bố về phát hiện mới này đã được đăng tải với tiêu đề "Nhai bách không bị tuyệt chủng".
Tuy nhiên, tại Trung Quốc, nhai bách được coi là một thực vật hóa thạch sống và được cho vào danh sách các loài thực vật cần phải được bảo vệ.
Cây nhai bách sống tại Nhật bản còn được gọi là tuyết tùng Nhật Bản. Cây cao khoảng 15m, vỏ cây màu nâu đỏ, lá màu xanh nhạt. Nhai bách ở khu vực Triều tiên có chiều cao thấp hơn khoảng 10m, lá mặt trên màu xanh đậm, mặt dưới màu bạc, nhánh cây phát triển, gỗ có màu vàng nhạt hoặc nâu đỏ, gỗ mềm, bền.
Cây nhai bách Trung Quốc do có điều kiện sinh trưởng tốt, thích hợp với loài cây này nên cho chất lượng cao.
Ngoài ra, gỗ của cây nhai bách có lớp vân xếp lớp rất đẹp, trải qua hàng trăm nghìn năm vẫn lưu hương rất dễ chịu.
Mùi hương của gỗ nhai bách có thể cải thiện đáng kể chứng mất ngủ, làm tăng hàm lượng oxi trong máu tạo cảm giác dễ chịu, sảng khoái. Ở Nhật Bản hương thơm nhai bách được gọi là "vitamin không khí" và được các chuyên gia về ung thư sử dụng để điều trị và cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân. Hương thơm gỗ nhai bách giúp cải thiện tâm trạng, tăng cường sức đề kháng cải thiện hệ miễn dịch của người bệnh.
Loại gỗ này dù trải qua hàng trăm nghìn năm vẫn lưu hương. (Ảnh: Sohu)
Nhai bách còn có tính năng giải độc và làm đẹp, hương thơm của loại gỗ này có thể chống viêm giải độc có khả năng diệt khuẩn cao tránh những yếu tố có hại cho sức khỏe. Từ cây nhai bách có thể chiết xuất thành tinh dầu bôi giúp đẹp da. Tinh dầu nhai bách có tác dụng tuyệt vời để chữa trị các vết sưng tấy, côn trùng cắn.
Bột gỗ nhai bách thường được sử dụng để khử uế trong nhà và phòng làm việc hoặc để trên xe ô tô khử mùi tạo tinh thần sảng khoái. Bột nhai bách đun làm nước gội đầu có tác dụng dưỡng, làm mượt tóc…
Nhai bách là loài sống tự nhiên không thể trồng nhân tạo nên có số lượng nhỏ, đặc biệt dòng nhai bách trên vách núi có số lượng rất ít.
Giá trị của gỗ nhai bách không chỉ thể hiện qua tính thẩm mỹ, mà loại gỗ này còn được coi là tài sản văn hóa, chứa đựng giá trị lịch sử và tự nhiên. Sự khan hiếm và không thể tái tạo khiến loại gỗ này càng trở nên đặc biệt và đồng thời nó cũng đặt ra một thách thức lớn trong việc bảo tồn và sử dụng một cách bền vững nguồn tài nguyên này.