Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) vừa phóng lên quỹ đạo một vệ tinh nhằm cung cấp thông tin ở cấp độ toàn cầu về lượng gió trên mặt trái đất.
Với những thông tin này, chúng ta sẽ có được những dự báo thời tiết tốt hơn và dự đoán về sự nóng lên toàn cầu cũng tốt hơn. Đây là một phần của dự án Copernicus, một sáng kiến chung của Liên minh châu Âu và ESA nhằm theo dõi những thiệt hại về môi trường và hỗ trợ các hoạt động cứu trợ thiên tai.
Được công ty Arianespace phóng đi vào lúc 9h20 tối ngày 22/8/2018 từ trạm vũ trụ Kourou ở Guyana thuộc Pháp, sau một ngày phải trì hoãn vì lý do thời tiết, vệ tinh có tên Aeolus, đặt theo tên thần gió trong thần thoại cổ Hy Lạp, hiện được đặt ở quỹ đạo cách mặt đất 200 dặm, tức 320 km. Trên vệ tinh chỉ mang theo một thiết bị có tên Aladin, là một hệ thống laser tiên tiến được thiết kế để đo chính xác các mẫu gió toàn cầu từ không gian.
Toàn cảnh buổi phóng vệ tinh Aeolus. (Ảnh: ESA)
Với nhiệm vụ theo dõi bầu khí quyển trong khoảng cao độ từ 0 - 30km, Aladin có tính năng truyền các xung ánh sáng laser ngắn và mạnh về phía trái đất trong phổ tia cực tím. Các phân tử có trong không khí: hơi ẩm, khí, bụi, sẽ phản xạ một phần năng lượng ánh sáng truyền đi trở lại bộ thu phát, là nơi được thu thập và ghi lại.
Độ trễ giữa xung truyền đi và tín hiệu phản xạ sẽ cho thấy được hướng gió, tốc độ và khoảng cách truyền đi và sau đó thì các dữ liệu từ quỹ đạo được tải xuống một trạm mặt đất ở Svalbard, Na Uy.
Aladin có khả năng cung cấp 100 bộ hồ sơ gió mỗi giờ, bao gồm cả các vùng sâu vùng xa của bán cầu nam và đại dương, đặc biệt là ở điểm mù dữ liệu của vùng nhiệt đới, là nơi trước nay hầu như chưa được quan sát trực tiếp. Điều này có nghĩa là một tiến bộ rất lớn về kiến thức về gió, mà cho đến nay chỉ được thông báo bởi các đài phát thanh hằng ngày từ các trạm thời tiết nhất định.
Những dữ liệu do Aeolus cung cấp sẽ lấp đầy khoảng thiếu sót quan trọng về bầu khí quyển của Trái đất, tác nhân tạo ra gió. Do vì gió đóng một vai trò quan trọng trong việc trao đổi nhiệt và độ ẩm giữa bề mặt trái đất và khí quyển nên nếu có đủ dữ liệu về gió sẽ cải thiện được mảng dự báo thời tiết, bao gồm cả những cơn bão ở vùng ôn đới và thời tiết ở bán cầu nam.
Nếu dữ liệu đo đạc được càng chính xác thì sự dự đoán về biến đổi khí hậu cũng sẽ càng chính xác. Không chỉ thế, các cấu hình về gió này còn sẽ giúp dự đoán được tình hình về bụi và các hạt mịn lơ lửng khác trong không khí, làm ô nhiễm đến khí quyển tầng thấp và gây nguy hại cho sức khỏe.