Loài tôm lạ sống trong sa mạc: Cổ nhất hành tinh, 50 năm không có nước mà trứng vẫn nở tốt

  •  
  • 4.240

Chỉ cần vừa xuất hiện một vũng nước giữa cái nắng nóng kinh hồn ở sa mạc là liền thấy có tôm nòng nọc. Chúng phát triển siêu nhanh, mới 2-3 tuần đã trưởng thành.

Tôm nòng nọc (Triops cancriformis) là một trong những loài giáp xác cổ nhất hành tinh. Chúng có thể đã cùng sinh tồn với nhà khủng long cách đây cả 220 triệu năm, và chẳng cần tiến hóa thêm chút nào mà vẫn sống tốt.

Bạn tốt của... nhà nông

Kỳ thực thì tôm nòng nọc không chỉ sống trong sa mạc. Do là loài thủy sinh, chúng có mặt ở hầu hết các môi trường nước ngọt từ Châu Âu đến Châu Á.

Rất dễ để nhận diện tôm nòng nọc, bởi chúng có cái đuôi như đuôi tôm và phần đầu hao hao cua móng ngựa. Trong điều kiện nuôi nhốt, tôm nòng nọc chỉ phát triển đến 6cm là cùng. Tuy nhiên trong tự nhiên, chúng có thể đạt kích thước 11cm.

Đây chính là tôm nòng nọc.
Đây chính là tôm nòng nọc.

Món khoái khẩu của tôm nòng nọc là ấu trùng muỗi. Thế nên chúng còn được coi là đồng minh của con người trong công cuộc tiêu diệt virus tây sông Nile - loài virus gây bệnh chủ yếu lây truyền qua muỗi Culex.

Ngoài ra, tôm nòng nọc còn ăn cả cỏ dại nữa. Ở Nhật Bản, chúng được nhà nông sử dụng như giải pháp sinh học nhằm tiêu diệt cỏ dại trong ruộng lúa.

"Gia cố" trứng để 50 năm sau vẫn nở được thành con

Khi nhiệt độ Trái đất ở Kỷ Phấn trắng (cách đây khoảng 66 triệu năm) bắt đầu nóng dần lên, nhà khủng long to lớn chỉ có duy nhất hai con đường: tiến hóa để thích nghi với điều kiện khí hậu mới hoặc chết (rốt cục thì chúng cũng đành chọn... chết).

Nhưng tôm nòng nọc lại chẳng gặp khó khăn gì. Bởi lẽ, chúng là một trong những loài có chiến lược duy trì giống nòi kỳ diệu nhất. Chúng có khả năng "gia cố" trứng để hàng thập kỷ sau vẫn thuận lợi nở thành con.

Môi trường yêu thích của tôm nòng nọc là các vũng nước tạm thời.
Môi trường yêu thích của tôm nòng nọc là các vũng nước tạm thời.

Tôm nòng nọc sở hữu cả hai dạng sinh sản đơn tính và lưỡng tính. Trứng của chúng thuộc kiểu siêu cứng, có thể chống chọi được với mọi điều kiện khắc nghiệt, cho dù là nóng nực, đóng băng hay thiếu oxy.

Bằng cách tiết ra trehalose – một loại đường không thấm nước, tôm nòng nọc giữ trứng của chúng an toàn trong nước. Nếu môi trường sống không bị cạn, trứng sẽ nở thành con, tiếp tục vòng đời. Còn ngược lại, chúng sẽ duy trì trạng thái cho đến khi gặp được điều kiện thích hợp.

Trong sa mạc, trứng của tôm nòng nọc được ví như một thiết bị bọc thép vậy. Ngay cả khi bị "rang" dưới cái nóng 98 độ C, chúng vẫn có thể chống chịu được đến 16h đồng hồng. Còn cỡ 40-50 độ C quen thuộc thì chẳng ảnh hưởng gì cả.

Dù phải đợi đến cả 50 năm mới gặp được nơi đủ nước, trứng tôm nòng nọc vẫn "sống".
Dù phải đợi đến cả 50 năm mới gặp được nơi đủ nước, trứng tôm nòng nọc vẫn "sống".

Đặc biệt là dù phải đợi đến cả 50 năm mới gặp được nơi đủ nước, trứng tôm nòng nọc vẫn "sống". Chính nhờ khả năng bền bỉ này, chúng bất chấp điều kiện khô nóng của sa mạc, kiên nhẫn chờ đợi cho đến lúc mưa xuống và ao vũng tạm thời hiện ra.

Tốc độ sinh trưởng kinh hồn: 2-3 tuần đã thành "người lớn"

Vừa mới tách vỏ, tôm nòng nọc con đã cực kỳ bận rộn. Chúng truy bắt mọi sinh vật nhỏ hơn trong tầm mắt, chí ít mỗi ngày cũng phải "nhồi nhét" được một lượng thức ăn bằng 40% trong lượng cơ thể.

Nhờ ăn tạp và ngốn như hạm, chúng lớn nhanh như thổi. Dù lúc mới nở ra chỉ dài tối đa là 1,8mm, nhưng qua cỡ 4 ngày sau là chúng đã được 6,4mm rồi. Trong khoảng 2-3 tuần, tôm nòng nọc con đã trưởng thành, sẵn sàng cho việc sinh sản.

Trước khi cái "nhà tạm thời" khô cong, tôm nòng nọc cái sẽ nỗ lực đẻ càng nhiều lứa càng tốt. Trứng của chúng có thể nở ngay tại chỗ vào năm sau, khi đủ nước, cũng có thể vương vãi đi lung tung.

Tôm nòng nọc lớn cực nhanh, chỉ 2-3 tuần đã sẵn sàng sinh đẻ.
Tôm nòng nọc lớn cực nhanh, chỉ 2-3 tuần đã sẵn sàng sinh đẻ.

Dù là bị mắc kẹt tại chỗ nào, chỉ cần gặp được điều kiện thích hợp, trứng tôm nòng nọc liền nở thành con. Đám "chíp hôi" mới chào đời lại điên cuồng truy sát các loại ấu trùng, thậm chí là cả cá con và ngấu nghiến nhai cỏ dại.

Cập nhật: 06/05/2019 Theo helino
  • 4.240