Loét bàn chân do tiểu đường dễ dẫn đến cụt chi

  •  
  • 1.566

Loét chân do bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là một nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh nhân phải cắt bỏ chi. Vết loét có thể bắt đầu từ một vết xước rất nhỏ, thế nhưng do không quan tâm nên người bệnh để vết thương bị nhiễm trùng kéo dài gây hoại tử phải đoạn chi.

Hiện nay, đái tháo đường là một trong những nguy cơ chủ yếu đe dọa sức khỏe cộng đồng. Bệnh gây nhiều loại biến chứng, trong đó, biến chứng chi dưới, biểu hiện rõ nhất là viêm loét bàn chân, ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần và đời sống người bệnh. Biến chứng này có thể nhận biết và theo dõi bằng mắt thường nhưng chưa được bác sĩ lẫn bệnh nhân quan tâm.

Loét chân ở bệnh đái tháo đường có thể bắt đầu từ một vết thương nhỏ 3 mm, một vết trầy xước rất nhỏ do một va chạm vô ý... Người bệnh nếu có biến chứng về mặt thần kinh sẽ bị mất cảm giác đau nên càng dễ bị tổn thương mà không biết. Từ vết xước nhỏ này nếu không được quan tâm điều trị ngay từ đầu, vết thương sẽ bị nhiễm trùng loét rộng ra và gây hoại tử. Để ngăn chặn sự hoại tử ăn sang các khu vực khác chỉ còn cách cắt bỏ phần bị hoại tử.

Theo thống kê có đến gần 60% người bị cắt chi dưới là bệnh nhân đái tháo đường. 85% những trường hợp trên là do bệnh nhân bị loét chân. Cứ 5 bệnh nhân bị loét chân thì có 4 người bị chấn thương do tác động từ bên ngoài: va quẹt, vấp ngã bị trầy xước. Và tỷ lệ tử vong sau cắt chi cũng rất cao, tăng theo thời gian mắc bệnh.

"Sở dĩ người bệnh đái tháo đường bị viêm loét chân nhiều như vậy là do bác sĩ lẫn bệnh nhân chưa coi trọng việc chăm sóc bàn chân hằng ngày", bác sĩ Nguyễn Thy Khuê, chuyên gia về bệnh đái tháo đường, Đại học y dược TP HCM, cho biết. "Qua tìm hiểu cho thấy có nhiều bệnh nhân nhiều năm đi khám bệnh nhưng chưa lần nào bác sĩ hỏi đến bàn chân. Bác sĩ khi khám cho bệnh nhân đái tháo đường vẫn rất qua loa, người ta tin tưởng vào các kỹ thuật cao nên không quan tâm đến những chi tiết nhỏ, không quan tâm đến lịch sử bệnh nhân. Do đó không giúp bệnh nhân phát hiện được những triệu chứng loét chân kịp thời. Bên cạnh đó người bệnh cũng chưa có ý thức, chưa được giáo dục đầy đủ kiến thức để tự phát hiện dấu hiệu bị loét chân", bác sĩ Khuê cho biết thêm.

Việc phát hiện kịp thời các dấu hiệu bị loét chân rất quan trọng trong việc giữ gìn sức khỏe và ngăn ngừa không cho biến chứng phát triển nặng. Bên cạnh đó còn hạn chế được những suy nghĩ, hành động tiêu cực cũng như hạn chế được phần nào gánh nặng chi phí trong chữa trị cho người bệnh. Vì loét chân không chỉ làm suy sụp tinh thần, làm giảm thể lực, khả năng lao động mà còn làm tăng chi phí điều trị rất nhiều, bác sĩ Khuê nhìn nhận.

Do đó, để hạn chế tối đa hậu quả viêm loét chân người bệnh đái tháo đường nên quan tâm chăm sóc bàn chân mỗi ngày. Cần thực hiện khám bàn chân mỗi năm. Kiểm tra da, móng chân, mạch chân, cảm giác đau... thường xuyên. Bệnh nhân có biến chứng thần kinh cần được kiểm tra bàn chân mỗi lần khám.

Bệnh nhân có thể tự khám hoặc người thân khám nếu đáp ứng được những yêu cầu sau: bệnh nhân cần: gập được xương sống, gập và xoay được khớp háng, gập và xoay được đầu gối; mắt nhận biết được vết thương 3mm ở lòng bàn chân.

Những dấu hiệu cho thấy người bệnh có khả năng bị loét chân: bị các vết chai, bàn chân mất cảm giác, có vết xước nhỏ nhưng không lành, da khô nứt, ngón chân bị biến dạng...Khi phát hiện những dấu hiệu khác lạ trên cẳng chân, bàn chân lập tức đi khám để được chỉ định điều trị ngăn ngừa kịp thời.

Các bác sĩ cũng khuyên người bệnh nên bôi thuốc để tránh khô, nứt da. Dùng đá mài các vết chai, không để vết chai tiếp xúc trầy xước sẽ gây nhiễm trùng. Cắt móng chân mỗi tuần. Luôn luôn đi tất và giày vừa vặn, phù hợp với chân.

Tại Việt Nam hiện nay chưa có chuyên khoa bàn chân để việc khám và chữa trị các bệnh ở bàn chân có bài bản và hiệu quả. Vì vậy việc theo dõi chăm sóc bàn chân hằng ngày rất quan trọng đối với bệnh nhân đái tháo đường. 

Mỹ Lan

Theo VnExpress
  • 1.566