Thế giới không trở nên lớn hơn nhưng dân số con người vẫn tiếp tục tăng lên, tiêu thụ ngày càng nhiều tài nguyên và làm thay đổi chính môi trường mà chúng ta đang sống.
Khối lượng nhân tạo được định nghĩa là khối lượng vật liệu vô tri do con người tạo ra thông qua việc sử dụng các nguyên liệu tự nhiên và nguyên liệu hóa thạch.
Vào năm 2020, lần đầu tiên khối lượng do con người tạo ra, hay còn gọi là khối lượng nhân tạo đã vượt quá trọng lượng khô (trừ nước và chất lỏng) của tất cả sự sống trên Trái đất bao gồm cả con người, động vật, thực vật, nấm và vi sinh vật.
Trong khoảng hơn một thế kỷ qua, khối lượng do con người tạo ra đã tăng lên nhanh chóng, cứ sau 20 năm thì tăng gấp đôi.
Để xây dựng đường xá, nhà cửa, tòa nhà, giấy in, cốc cà phê, máy tính và tất cả những thứ khác do con người tạo ra, cần hàng tỷ tấn nhiên liệu hóa thạch, kim loại và khoáng sản, gỗ và các sản phẩm nông nghiệp.
Hàng năm, chúng ta khai thác gần 90 tỷ tấn nguyên liệu thô từ Trái đất để sản xuất ra các vật liệu nhân tạo. Tỷ lệ tích lũy khối lượng do con người tạo ra hiện đã đạt 30 gigatons (Gt) - tương đương với 30 tỷ tấn - mỗi năm, dựa trên mức trung bình trong 5 năm qua. Điều này tương ứng với việc mỗi người trên thế giới sản xuất nhiều hơn trọng lượng của họ mỗi tuần.
Trong khi khối lượng của con người chỉ chiếm khoảng 0,01% tổng sinh khối trên Trái đất nhưng tác động của chúng ta lại vô cùng lớn. Chúng ta là một trong số ít loài có thể làm thay đổi môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả sự sống trên Trái đất.
Với tốc độ hiện tại, trữ lượng một số vật liệu như nhiên liệu hóa thạch và khoáng sản có thể cạn kiệt trong vòng chưa đầy 100 năm. Do đó, các nhà khảo sát đang mở rộng phạm vi tìm kiếm khi họ tìm kiếm các nguồn nguyên liệu tươi, khám phá những nơi như Bắc Cực, biển sâu và thậm chí là các tiểu hành tinh.
Khi dân số thế giới tiếp tục tăng, áp lực lên môi trường tự nhiên cũng tăng theo. Việc tính toán tác động của con người đối với môi trường là vô cùng quan trọng nếu muốn bảo vệ sự sống trên Trái đất.