Có lẽ đã đến lúc chúng ta thay đổi quan niệm về người câm điếc. Cùng với sự phát triển của giáo dục và ngôn ngữ ký hiệu, hiện nay người ta đã không còn coi người câm điếc là khuyết tật nữa. Dĩ nhiên, khoa học đã có những định nghĩa chính xác về khuyết tật, nhưng xét trên góc độ văn hóa, không nên coi cộng đồng người câm điếc là cộng đồng khuyết tật, mà chỉ nên coi là cộng đồng thiểu số. Đơn giản là vì họ chỉ không có cùng tiếng nói với những người bình thường khác mà thôi, cũng hệt như khi ta giao tiếp với một người Bana không biết tiếng Kinh, hay một người Lào không biết tiếng Việt.
Và thực sự là cộng đồng người câm điếc trên thế giới đã và đang có những bước đấu tranh mạnh mẽ để được hòa nhập tốt hơn vào cộng đồng, và để không còn bị coi là người khuyết tật nữa. Cộng đồng người câm điếc, họ có cả một nền văn hóa riêng đáng để tìm hiểu, và một thứ ngôn ngữ ký hiệu đầy sáng tạo và hoa mỹ.
Tôi đã tìm khá kỹ trên internet (các chuyên trang về người khuyết tật, tổng cục thống kê, kể cả ấn phẩm của Cục xuất bản hàng năm và trang web…) nhưng chưa tìm thấy số liệu chính xác về người câm điếc Việt Nam. Nhưng chắc chắn con số này là không hề nhỏ, nếu ta lấy con số trung bình vài phần trăm dân số tương tự các quốc gia khác. Con số chắc chắn sẽ đến hàng triệu, thật không dễ để bỏ qua, phải không bạn?
Nếu bạn thực sự quan tâm và muốn tham gia vào cộng đồng thiểu số này, thì đây là một số lưu ý chúng tôi tổng hợp gửi các bạn. Nhập gia tùy tục, cũng giống như bạn mà ở Bun-ga-ri, gật nghĩa là không, còn lắc mới là có, hay để tránh các tình trạng "mời người Ấn ăn thịt bò, mời người Hồi ăn thịt lợn".
1. Giới thiệu: khi giới thiệu mình với người khuyết tật, nên nêu một số nội dung như:
- Họ tên (đánh vần bằng tay). Tên theo NNKH (theo phép lịch sự, tên theo NNKH là do một người câm điếc đặt cho mình chứ mình không nên tự chọn tên này. Tên này nêu một đặc trưng cơ thể, VD: đeo kính, có nốt ruồi ở má, tai to, tóc xoăn…)
- Bạn là người câm điếc hay người nghe được.
- Ai dạy bạn NNKH và tại sao bạn học NNKH
2. "Gọi" người câm điếc: Thông thường là vẫy tay. Nếu người này ở quá xa, có thể nhờ người nào gần đó ‘gọi’ hộ. Trong trường hợp người cần gọi không nhìn thấy chúng ta vẫy tay do mải chú ý chuyện khác, vỗ nhẹ vào vai hoặc phần trên cánh tay là cách nên dùng. Nên vỗ nhẹ nhưng dứt khoát. Một số cách khác có thể là nháy đèn, hoặc dậm chân xuống đất (giống ở nhà thày Tuấn có cái "chuông cửa" rất hay, nháy đèn thay thì rung chuông như thông thường).
3. Môi trường và kỹ thuật giao tiếp:
- Luôn giữ liên lạc bằng mắt. Vì mắt chính là biểu hiện ‘lắng nghe’ trong NNKH (làm gì còn giác quan nào khác thay thế?)
- Ra ký hiệu cùng với nói chậm và rõ ràng (không nhai kẹo cao su hoặc ngậm miệng khi giao tiếp)
- Dùng câu ngắn và đơn giản (diễn đạt lại bằng nhiều cách nếu người đối thoại chưa hiểu)
- Biểu cảm qua nét mặt
- Khi thay đổi chủ đề, cần ngắn gọn thông báo cho người đối thoại
- Đánh vần bằng tay hoặc viết nếu cần thiết
- Kiên nhẫn và luôn thoải mái, thư giãn khi giao tiếp
- Tránh giao tiếp trong môi trường tối hoặc ánh sáng yếu
- Tránh giao tiếp trong môi trường ồn ào với người có dùng máy trợ thính
- Khoảng cách tối ưu khi nói chuyện 1-1 là cách nhau 1.5 - 2 mét (để tránh va chạm)
Nguyễn Hoàng Lâm
Email: [email protected]