Lý do Ấn Độ loại bỏ Thuyết tiến hóa Darwin ra khỏi sách giáo khoa

  •  
  • 3.881

Chính phủ Ấn Độ mới đây đã xóa chương về “Thuyết tiến hóa sinh học” của Charles Darwin ra khỏi SGK do Hội đồng Quốc gia Nghiên cứu Giáo dục và Đào tạo (NCERT) biên soạn dành cho khối lớp 9 và 10 trường công lập với lý do "hợp lý hóa chương trình giảng dạy”, theo tờ The Hindu.

Việc chính phủ Ấn Độ xóa bỏ lý thuyết này cũng như việc một số bang do Đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền đưa Kinh Bhagavad Gita (một phần sử thi thuộc Kinh Vệ Đà của Hindu giáo) vào trường học từ năm 2022 làm dấy lên cuộc tranh cãi lớn trong dư luận.

Ấn Độ vừa quyết định gỡ bỏ các bài giảng về Thuyết tiến hóa của Darwin ra khỏi sách giáo khoa
Chính phủ Ấn Độ vừa quyết định gỡ bỏ các bài giảng về Thuyết tiến hóa của Darwin ra khỏi SGK.

Đảng BJP được cho đã nhắm vào Thuyết tiến hóa của Darwin từ lâu. Năm 2018, Bộ trưởng Bộ Phát triển Nguồn nhân lực Liên bang khi đó là Satyapal Singh đã tuyên bố rằng Thuyết tiến hóa của Darwin là không chính xác về mặt khoa học và không nên được giảng dạy trong trường học, với lập luận rằng "không ai chứng kiến điều đó".

Vị cựu Bộ trưởng khẳng định thêm rằng kể từ khi con người được nhìn thấy trên Trái đất, họ đã luôn tồn tại với tư cách là con người. Nói cách khác, ông ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng Thuyết sáng tạo, cho rằng con người được tạo ra và không phải là sản phẩm của quá trình tiến hóa.

Trong thế kỷ trước, Thuyết tiến hóa và Thuyết sáng tạo được coi là đối trọng lẫn nhau. Ngay cả các nhà khoa học Mỹ cũng phải vật lộn với cuộc tranh luận giữa hai học thuyết này. Những người ủng hộ khoa học sáng tạo đã tìm cách ưu tiên ngang nhau cho việc giảng dạy khoa học tiến hóa và sáng tạo trong trường học.

Trên thực tế, bang Arkansas (Mỹ) đã thông qua luật về vấn đề này. Mặc dù chính quyền bang không tuyên bố thẳng thừng rằng Thuyết tiến hóa phi khoa học như cựu Bộ trưởng Singh nhưng họ đã cố gắng thuyết phục Thuyết sáng tạo là có khoa học. Tính hợp hiến của luật tại bang Arkansas đã gây tranh cãi trái chiều trong cộng đồng các nhà khoa học.

Được biết, trước đó, từ năm 2017, Thuyết tiến hóa bị loại khỏi sách giáo khoa Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Tayyip Erdogan và Đảng Công lý và Phát triển có nguồn gốc từ đạo Hồi được cho chủ trương thay đổi nền tảng phi tôn giáo của quốc gia này bằng cách thúc đẩy một chương trình nghị sự bảo thủ với những quy định chặt chẽ. Thuyết tiến hóa bị bác bỏ mạnh mẽ bởi cả Kito giáo và Hồi giáo bởi tín đồ này cho rằng Chúa là người kiến tạo thế giới như trong Kinh Thánh và Kinh Koran đã nói.

Thuyết sáng tạo hay Thần tạo luận (Creationism) cho rằng tất cả các loài động vật và thực vật được tạo ra bởi một hành động thiêng liêng của đấng sáng tạo thần thánh và tồn tại kể từ khi được tạo ra, nghĩa là tất cả mọi vật đều do thần tạo ra.

Thuyết tiến hóa (Darwinism) đưa ra một phản bác mạnh mẽ đối với niềm tin thần học, phát biểu rằng mọi loài sinh vật xuất hiện, phát triển và tiến hóa thông qua quá trình biến di ngẫu nhiên và chọn lọc tự nhiên. Tức là, nếu loài A tiến hóa để biến thành loài B phải có những loài trung gian nằm giữa A và B. Những thế hệ này đã tuyệt chủng, nhưng theo Darwin, hóa thạch của chúng chắc chắn phải nằm dưới lòng đất với số lượng lớn và trước sau khoa học sẽ tìm thấy. Nếu không tìm thấy, lý thuyết của ông sẽ lâm nguy.

Những người theo thuyết sáng tạo đã phản đối thuyết tiến hóa của Darwin và yêu cầu Thuyết sáng tạo phải được giảng dạy như một môn khoa học ngang hàng với Thuyết tiến hóa.

Cập nhật: 27/06/2024 Vietnamnet
  • 3.881