Cùng tìm hiểu nguyên nhân khiến phần lớn những câu chuyện về "thủy quái" luôn được lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Từ xưa đến nay, những câu chuyện về quái vật luôn thu hút rất nhiều người. Dù tin hay không, nhiều người cũng không thể phủ nhận một thực tế rằng, những câu chuyện về thủy quái luôn có sức hút hơn hẳn so với "bạn bè" của chúng ở trên cạn. Tại sao lại như vậy? Lời giải sẽ được bật mí dưới đây.
Vì những lời đồn nổi tiếng nhất về thủy quái
Từ thời xa xưa, biển cả đã luôn là điều bí ẩn lớn với loài người. Vì thế, rất nhiều thủy quái tin đồn đã được "sinh ra" mà không ai có thể kiểm chứng.
Những thủy quái này thường được cho là thoắt ẩn thoắt hiện ngoài khơi xa, bởi vậy, có rất ít tài liệu cụ thể nói về sinh vật này mà đa phần là câu chuyện truyền miệng từ đời này sang đời khác.
Các thủy quái đầu tiên phải kể đến được miêu tả trong các câu chuyện thần thoại hay truyền thuyết. Ví như Scylla và Charybdis - hai thủy quái nổi tiếng trong "Trường ca Odyssey” của Hy Lạp. Chúng là những loài vật khổng lồ đã chạm trán với đoàn thủy thủ của Odyssey trên đường trở về Hy Lạp sau trận chiến thành Troy.
Trong đó Scylla là quái vật rắn biển khổng lồ có 6 đầu, còn Charybdis thì chuyên hút nước vào miệng và tạo nên xoáy nước nhấn chìm tàu thuyền.
Phác họa quái vật Scylla 6 đầu và Charybdis trong thần thoại Hy Lạp.
Một trong những thủy quái huyền thoại khác được nhắc đến nhiều nhất là Kraken - loài thủy quái được cho là có hình dạng giống mực khổng lồ (một số người miêu tả Kraken giống bạch tuộc).
Kraken đã là chủ đề của rất nhiều câu chuyện của dân miền biển từ thập niên 1180. Theo đó, "con mực" này dài tới 2.500m và có thể tạo nên những xoáy nước khổng lồ đáng sợ, nhấn chìm tàu thuyền một cách dễ dàng.
Thủy quái Kraken theo phác họa của nhiều người trên thế giới.
Tất nhiên, hầu hết mọi người đều không tin vào những gì được miêu tả trong thần thoại hay truyền thuyết. Họ đã đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau, trong đó có việc các thủy thủ trong lúc hoa mắt đã nhìn nhầm các tảng đá ngầm thành loài rắn biển 6 đầu Scylla, còn Charybdis là các xoáy nước được tạo thành do cấu tạo địa hình.
Hay như Kraken, nhiều người cho rằng đó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng do các thuỷ thủ tạo nên khi say sóng. Họ nghĩ Kraken thực chất là đường bờ biển hoặc hòn đảo nhìn từ xa mà thôi.
Scylla chỉ là hòn đá lớn, còn Charybdis là những xoáy nước.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những tin đồn khác về thủy quái biển chưa được xác thực. Vào năm 1734, thuỷ thủ người NaUy Hans Egede đã miêu tả rõ ràng việc ông và các thủy thủ đoàn đã phải đối mặt với nỗi kinh hoàng giữa biển khơi gần đảo Greenland (Anh). Trông nó giống một con rắn có vảy, phun nước như cá voi nhưng lại có chân, đồng thời đuôi của nó có chiều dài bằng cả chiếc tàu đánh cá.
Thủy quái theo mô tả của Hans Egede.
Và quen thuộc hơn cả, có tới hàng ngàn người trong suốt hàng chục năm qua đã cố chứng minh rằng mình đã từng bắt gặp Nessie, hay "Quái vật hồ Loch Ness".
Nessie được mô tả với hình dạng giống loài khủng long cổ dài thời cổ đại. Tuy nhiên, dù có cố gắng đến mấy thì các nhà khoa học vẫn không thể tìm ra bằng chứng xác thực cho thấy sự tồn tại của quái vật, ngoại trừ những bức ảnh không rõ ràng.
Phác họa hình ảnh của Nessie - quái vật hồ Loch Ness.
...và lý do khiến mọi người tin vào thủy quái
Trong tiểu thuyết “Hai vạn dặm dưới biển khơi”, nhà văn Jules Verne đã viết: “Chúng ta đâu đã biết tất cả các loài vật trên hành tinh này. Và nếu chưa biết toàn bộ về thiên nhiên bí ẩn, thì không có lý do gì để không tin vào sự tồn tại của thuỷ quái, hay những loài vật không tưởng”.
Đại dương luôn bí ẩn và có thể ẩn giấu những "quái vật".
Thật vậy, sự sống trên Trái đất bắt nguồn từ nước và sâu thẳm hàng trăm km dưới đáy đại dương còn rất nhiều điều bí ẩn và kỳ diệu.
Cho đến nay, dù có nhiều công nghệ hiện đại đến mấy thì các nhà khoa học vẫn phải thừa nhận rằng, có tới 95% đáy biển chưa hề được khám phá. Chính vì lẽ đó, con người chúng ta luôn luôn có xu hướng bị thu hút bởi những câu chuyện về thủy quái.
Tháng 10/2013, một con mực khổng lồ dài tới 10m đã trôi dạt vào bờ biển khu vực Cantabria, Tây Ban Nha, gây xôn xao dư luận về sự tồn tại của quái vật biển.
Những loài vật có kích thước khổng lồ trên thực tế đa số sống ẩn mình dưới mực nước sâu nhất – nơi loài người chưa thể tiếp cận. Chúng chỉ chẳng may hiện hình khi đang "ốm dở chết dở" và đôi khi là... đã chết. Do vậy những điều các thuỷ thủ đoàn đồn đoán hàng nghìn năm qua không phải là không có cơ sở.
Cá vây tay được phát hiện vào năm 1938.
Con người cũng đã từng bước chứng minh được một số sinh vật là có thực. Ví dụ như vào năm 1938, loài cá “có vẩy kì quái” và “trông như có cả chân” đã được tìm thấy, đó là loài cá vây tay (Latimeria chalumnae).
Gần nhất là vào năm 1976, lần đầu tiên chúng ta đã tiếp cận được với cá mập miệng khổng lồ (Megamouth Shark) - một loài cá mập cực hiếm. Từ lúc mới được phát hiện cho tới năm 2012, chỉ có 54 cá thể cá mập miệng rộng bị bắt hoặc được nhìn thấy trên toàn thế giới
Cá mập miệng rộng - Megamouth Shark - một loài cá mập cực hiếm sống ở dưới biển sâu. Nhiều người gọi chúng là "cá mập ngoài hành tinh".
Video về loài "cá mập ngoài hành tinh".
Việc thường xuyên phát hiện ra những sinh vật biển mới, trông giống những gì đã được miêu tả trong truyền thuyết đã làm thay đổi suy nghĩ của các nhà khoa học. Dường như họ bắt đầu tin về sự tồn tại của Nessie, rất có thể đó là một con rắn biển khổng lồ cổ đại, và có khi lại chính là sự tồn tại cuối cùng của dấu phết loài khủng long thời xa xưa.
Và cũng do một số quái vật biển được xác thực, một số tin đồn về thủy quái lại xuất hiện và thu hút nhiều người quan tâm hơn. Nhưng điều kỳ lạ là khi càng cố gắng tìm hiểu thì tần suất con người chạm mặt thủy quái càng ít dần. Các nhà khoa học cho rằng điều này có thể là hệ quả của sự thay đổi khí hậu, một phần do chính tác động của loài người.
Tuy nhiên, hiện các khoa học gia vẫn đang cố gắng tìm mọi cách để lôi kéo và dụ dỗ các loài vật bấy lâu nay chìm sâu dưới đáy biển. Và cũng giống như họ, rất nhiều người tin rằng còn hàng nghìn điều bí ẩn đang chờ được khám phá.